Tự nhiên lại bảo một người phụ nữ không con là một người phụ nữ “độc”?
Lùm xùm tiền từ thiện đã khép màn sau khi công an xác nhận không khởi tố nghệ sĩ sau những tố cáo của bà N.P.H. Tuy nhiên, dư âm của drama này vẫn còn kéo dài khi CEO N.P.H vẫn liên tục livestream công kích MC chương trình “Rap Việt”. Cách đây vài ngày, nữ đại gia xứ Bình Dương còn hăm dọa tìm đến tận nhà Trấn Thành để “tác động vật lý” vì cho rằng mượn web drama Hẻm Cụt mỉa mai mình.
Trưa 17/02, hàng loạt diễn đàn chia sẻ phát ngôn được cho là của bà N.P.H nói về việc Hari Won không có con khi áp dụng câu tục ngữ khá nặng nề: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Chưa rõ nguồn cơn xuất phát từ đâu, thế nhưng, hành động xúc phạm chuyện riêng tư của người khác đã khiến nhiều người phẫn nộ.
“Cây độc không trái, gái độc không con” là gì?
Đây là một câu tục ngữ dị bản của câu nói gốc như sau: “Cây khô không có lộc, người độc không có con”. Ý chỉ một cái cây có độc, hoặc khô khốc sẽ không thể nào kết hoa đươm trái như một cây xanh tươi tốt, khi ví von sang hình ảnh người phụ nữ, câu này có nghĩa rằng: Sinh ra trên đời làm phụ nữ với thiên chức là làm mẹ và có con, nhưng đã là người phụ nữ mà không thể có con thì đó là một người phụ nữ độc ác, không khác gì một cái cây có độc và không thể cho trái.
Đây là một quan điểm cay nghiệt từng làm đau biết bao người phụ nữ ngày xưa và ảnh hưởng tư tưởng đến tận thời điểm. Thay vì có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những người không thể sinh con, thì người đời lại gắn thêm cho cái danh “gái độc”.
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn con cái. Sự thiếu chia sẻ, cảm thông từ phía gia đình cùng những lời gièm pha “gái độc không con” đã tạo nên những tổn thương cho người phụ nữ.
Ðã có ở mọi nơi và mọi lúc – những con người rất sẵn sàng đem cái khác thường, lệch lạc, khập khễnh… của một người nào đó ra để nói cạnh, nói khóe, khích bác, dè bĩu, châm chọc… và trường hợp của những người phụ nữ không con cũng không ngoại lệ. Ở thế kỉ 21, người ta đã bắt đầu bớt nói những câu tục ngữ mang nặng định kiến tương tự để nói về người phụ nữ, dẫu vậy, khi nó đã là một phần định kiến thì khó có thể “khai tử” quan điểm ấy khỏi cuộc sống.
Từ khi nào việc sinh con hay không lại trở thành thước đo giá trị con người?
Nếu hỏi rằng, câu tục ngữ “Cây độc không trái, gái độc không con” có định kiến coi thường phụ nữ không, Hầu hết chúng ta đều trả lời là “có” với một sự phẫn nộ cùng cực. Có lẽ, vì đây là một câu nói nhằm vơ đũa tất cả những người không muốn có con và không thể có con là một người phụ nữ “độc”. Hay nói một cách khác, đó là sự xúc phạm nặng nề không chỉ đối với vợ của nam MC quốc dân mà là đối với phụ nữ nói chung.
Câu nói của nữ CEO N.P.H khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì quá nặng nề và xúc phạm phụ nữ nói chung (Ảnh: FBNV)
“Mình chả quan tâm mấy vụ này lắm nhưng cái phát ngôn kia nó vừa tàn nhẫn không cần thiết, vừa thiếu hiểu biết, nặng mùi phân biệt giới tính”, tài khoản Nguyễn Hô để lại bình luận.
“Cái câu nói này nên bỏ xó luôn đi. Cây độc vẫn có trái, một số người phụ nữ độc ác vẫn có con bình thường và rất nhiều phụ nữ không có con nhưng rất lương thiện, nên câu nói này hiểu theo nghĩa bóng hay nghĩa đen thì cũng sai bét. Hơn nữa, không sinh được con là chuyện không may của mọi gia đình trên thế giới, đem điều đó ra để đay nghiến họ thì quả là thất đức. Có con thì tốt, không có cũng không sao, quan trọng là yêu thương nhau, sống tốt đối với gia đình và xã hội. Từ khi nào việc sinh con hay không lại trở thành thước đo giá trị con người?”, tài khoản The Moon để lại bình luận về vấn đề trên.
Có thể nói, một người phụ nữ không có con chưa bao giờ trở thành tội đồ của cuộc sống vì đôi khi đó là số phận và sự lựa chọn của người phụ nữ ấy. Tại sao chúng ta phải đay nghiến họ trong nỗi đau nhân đôi: vừa không thể làm tròn thiên chức, vừa bị cuộc đời đổ tội?
Lời tòa soạn
Vấn đề
Điều này có lẽ vẫn nằm ở cách chúng ta nhìn nhận về bất bình đẳng giới đang còn ngấm ngầm tồn tại trong xã hội ngày nay. Từ một câu tục ngữ gốc chung chung nói rằng “người độc không có con”, người ta lại “nữ hóa” dị bản của nó lên thành “gái độc không con” để nhắm mũi dùi hẳn vào người phụ nữ. Liệu có thỏa đáng hay không trong khi người phụ nữ không thể tự mình có con? Hay có một thực tế khoa học hơn, chuyện sinh con lại phụ thuộc phần lớn vào người nam giới…
Tạm kết
Định kiến phân biệt giới tính là một câu chuyện muôn thuở mà “người hiện đại” luôn tìm cách cởi bỏ và giúp rút ngắn dần sợi dây bất bình đẳng. Không quá ngạc nhiên khi một câu tục ngữ nặng mùi phân biệt giới tính lại khiến cả cộng đồng mạng “tức điên lên”. Liệu đó có thể gọi là một tín hiệu đáng mừng trong công cuộc xây dựng một xã hội ngày càng bình đẳng?
Dù không thể khai tử hoàn toàn, nhưng xin đừng để những gì xưa cũ trở thành nỗi đau ở hiện tại và cả tương lai. Biết thông cảm và đối xử tử tế với nhau có lẽ là bài học mà ai cũng cần phải rút ra để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn trong mối quan hệ giữa người với người.