Lúc bóc phong bì mừng cưới của gia đình xong, bố hốt hoảng gọi điện lên cho tôi thông báo tình hình khiến tôi cũng lo lây
Tôi sinh ra ở quê nhưng lấy vợ ở thành phố, điều kiện gia đình tốt. Vì vậy trong ngày cưới, nhà gái đề nghị bố mẹ tôi tổ chức đám cưới ở nhà hàng, khách sạn thay vì làm ở quê để tiện việc tiếp khách.
Vợ tôi bảo, bạn bè của bố mẹ cô ấy ở thành phố, nhiều người giàu có nên cũng muốn ngày trọng đại của con có thể nở mày nở mặt.
Muốn con trai được tự hào trong ngày cưới, bố mẹ tôi cũng thuê nhà hàng lớn cách nhà 10km để tổ chức. Nhưng khách đến dự chủ yếu là những người ở quê. Bạn bè tôi, ngoài những người học đại học, đi làm ở thành phố thì đa số là bạn học cấp 2, cấp 3 ở quê nên việc đi lại hơi bất tiện. Tôi bàn với bố mẹ thuê 2 chuyến xe rộng đón mọi người lên nhà hàng. Bố tôi đồng ý ngay.
Lỗ nặng vì khách chỉ mừng 300 nghìn trong khi đám cưới tổ chức ở nhà hàng. Ảnh minh họa: FP
Hôm đó, nhìn bố mẹ vui, hạnh phúc vì con trai lấy được người vợ gia cảnh tốt, tôi cũng thấy tự hào trong lòng. Quan khách từ quê lên, ai cũng trầm trồ về đám cưới của tôi. Những người bạn ở xa không về được đều gửi phong bì mừng và gọi điện thoại chúc phúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì tất cả những gì mình nhận được.
Nhưng sau cưới một ngày, bố gọi điện lên cho tôi, giọng hốt hoảng: “Con à, tổ chức được tiệc cưới cho con như vậy, bố mẹ cũng thấy vui. Nhưng lần này nhà mình lỗ nặng con ạ.
Ở quê, khách chỉ đi 200 nghìn, nhiều cũng chỉ 300 nghìn, bạn bè con cũng vậy. Phong bì 500 nghìn hầu như không có. Chỉ có đồng nghiệp của con mới đi được số tiền như vậy. Chưa kể mình cũng lo phần cỗ cho nhà gái nên khá tốn kém. Con khéo lời nói với vợ con nhé”.
Nghe bố nói xong, tôi có chút chạnh lòng. Tôi cũng hiểu những người ở quê không giàu nhưng việc đi ăn cưới ở nhà hàng khác với ăn cưới tổ chức ở quê. Mức trung bình ở nhà hàng bây giờ theo tôi là phải 500 nghìn. Mừng 200-300 nghìn chỉ hợp với ăn cỗ tại nhà.
Chi phí thuê nhà hàng, thuê các dịch vụ, thuê MC tốn khá nhiều tiền. Chưa kể, tôi phải bỏ tiền thuê xe đón mọi người lên tận nơi, không mất sức đi lại. Nhìn danh sách tiền mừng bố gửi, tôi giật mình. Có nhiều người cưới ở quê nhiều năm trước, tôi cũng mừng 300 nghìn mà giờ họ được mời ở nhà hàng cũng chỉ mừng lại tôi số tiền đó.
Thật ra, khi tổ chức ở nhà hàng, bố có lẽ cũng không không nghĩ lại hụt nhiều tiền đến vậy. Nhà tôi không giàu nên để gánh lỗ một cái đám cưới không phải chuyện dễ dàng gì.
Giờ sự đã rồi, tôi cũng không biết phải làm sao. Tôi nói bố cứ giữ lại toàn bộ tiền mừng, kể cả tiền của bạn tôi và tôi sẽ nói chuyện với vợ sau. Tôi cũng hứa sẽ lo liệu dần số tiền lỗ để gửi bố trả nợ người ta. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện nhiều người đi ăn ở nhà hàng mà mừng 200 – 300 nghìn, tôi lại thấy bực trong lòng.