Bất động sản ở khu vực này luôn có giá bán và cho thuê ổn định và cao trong nhiều năm qua, đặc biệt là các dự án view hồ có giá bán cực kỳ đắt đỏ.

Quận Tây Hồ được thành lập vào ngày 27/12/1995. Tiền thân của quận là 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ thuộc quận Ba Đình và 5 xã Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La của huyện Từ Liêm (cũ).

Tây Hồ được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã được xếp hạng (đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ…) cùng với đó là những làng nghề truyền thống cổ xưa như: Nghề trồng hoa, quất cảnh (Quảng Bá, Tứ Liên), nghề trồng đào truyền thống (Nhật Tân), nghề làm hương (Yên Phụ), nghề làm mứt kẹo (Xuân Đỉnh)… thuận lợi phát triển du lịch, dịch vụ.

Capture

Quận Tây Hồ có diện tích hồ nước tự nhiên lớn nhất Thủ đô. Ảnh vệ tinh

Tây Hồ cũng là một trong những quận có địa hình đặc biệt khi 1/5 diện tích hồ tự nhiên là Hồ Tây (hơn 5km2) lớn nhất thành phố Hà Nội. So với các quận nội thành khác, mật độ dân số của quận Tây Hồ thấp hơn do diện tích đất nông nghiệp và mặt nước chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, trước đây quận là nơi nhiều tôm cá nhất Thủ đô, người dân chỉ việc đánh lưới một bữa đủ tôm cá ăn mấy ngày.

Đi cùng thời đại mới, quận Tây Hồ thay đổi nhanh chóng, những bãi bồi, đất nông nghiệp được “lột xác” bằng những toà nhà khang trang, những khu đô thị sáng láng và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, có thể kể đến các công trình như cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân…

Dự kiến, quận Tây Hồ sẽ xây thêm cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Quận Tây Hồ đã trở thành một cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, kết nối với trung tâm thành phố và cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng như các tỉnh phía Bắc.

Empty

Toàn cảnh khu vực Hồ Tây với những khu đô thị san sát nhau. Ảnh: Thảo Quyên

Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, khu vực này thu hút đông đảo các nhà đầu tư. Nhiều khu đô thị mới hình thành thay thế cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp trước đây như: Khu đô thị Ciputra với số vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 2 tỷ USD, Khu đô thị Tây Hồ Tây tổng diện tích hơn 186ha, Trung tâm thương mại Lotte Mall Tây Hồ tổng số vốn đầu tư là 600 triệu USD… Nhờ những công trình này, quận Tây Hồ đã trở thành nơi có chất lượng sống tốt nhất tại Thủ đô.

Nếu như khi mới thành lập (năm 1995) trên địa bàn quận mới có khoảng trên 40 doanh nghiệp thì ngày nay số doanh nghiệp đã tăng lên hơn 6.400 (tăng 160 lần); thu ngân sách trên địa bàn quận từ hơn 16 tỷ đồng năm 1996 đã tăng lên trên 2.500 tỷ đồng vào năm 2023 (tương đương gấp 152 lần – Số liệu từ Sở KH & ĐT Hà Nội).

i.ex-cdn.com-chatluongvacuocsong

Giá nhà khu vực Tây Hồ cao “chóng mặt”. Ảnh: Báo Dân Trí

Khảo sát từ báo Dân Trí, nhiều căn nhà mặt phố tại một số tuyến phố khu vực Tây Hồ như Quảng Khánh, Từ Hoa, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài… có mức giá rao bán lên tới 1 tỷ đồng/m2.

Cụ thể, tại phố Quảng Khánh, giá nhà được rao bán chủ yếu dao động từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/m2. Nhà tại phố Trích Sài hầu như được rao bán với giá 800 triệu đến 1 tỷ đồng/m2. Tại phố Từ Hoa, giá rao bán nhà phố cũng chủ yếu dao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/m2.

Bất động sản ở Tây Hồ luôn có giá bán và cho thuê ổn định và cao trong nhiều năm qua, đặc biệt là các dự án có view hồ Tây có giá bán cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, hoạt động mua bán và chuyển nhượng bất động sản ở khu vực này không quá sôi động, vì một phần là do sở hữu của người dân sinh sống lâu đời và một phần là tài sản của quan chức và thương gia giàu có mua để cho thuê hoặc đầu tư dài hạn. Ngoài ra, giá nhà đất rất cao, khiến việc mua bán trở nên kén khách.