“Lúc thấy bố mẹ em ngơ ngác đi vào nhà hàng, mẹ chồng em nói mát: Thế mà ông bà cũng lên à…”, nàng dâu tâm sự.

Chuyện hai bên thông gia không môn đăng hộ đối nên sống “bằng mặt không bằng lòng” với nhau không phải hiếm gặp. Nàng dâu ở giữa chính là người khó xử nhất. Cũng giống như nàng dâu trong câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây.

 

Nàng dâu ấy tâm sự: “Ăn hỏi 9 tráp lễ, phong bì lễ đen 20 triệu, ngày cưới được chú rể đón bằng xe sang. Thật sự đám cưới của em có lẽ là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Ngày ấy em cũng nghĩ mình may mắn thật song tới khi bước chân về nhà chồng rồi em mới thấm, mọi thứ không hề nhung lụa như vẻ bề ngoài các chị ạ.

 

Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ chuyện nhà ngoại em không môn đăng hộ đối với nhà nội. Nhà em kinh tế không khá giả gì. Ngược lại bố mẹ chồng em đều là cán bộ nghỉ hưu, nhà đất rộng, ông bà xây mười mấy phòng cho thuê. Trung bình mỗi tháng cũng thu về hai mấy, ba mươi triệu. Thế nên ai nhìn vào cũng bảo em lấy chồng như kiểu chuột sa chĩnh gạo.

Khinh thông gia nghèo nên làm đầy tháng cho cháu nội không mời, tới khi nhìn món quà trên tay nhà ngoại tặng cháu mẹ chồng mới đỏ mặt cúi đầu vì ngượng-1 Ảnh minh họa

 

Bố chồng em thì không vấn đề gì chỉ có mẹ chồng em là ghê gớm tính toán. Ngày trước lúc vợ chồng em yêu nhau là bà không ưng em lắm đâu vì nhà em nghèo bà bảo không xứng về làm dâu nhà bà. Chồng em làm công tác tư tưởng mãi bà mới chịu.

Sau cưới, biết thân biết phận, em lúc nào cũng phải cố gắng dốc tâm dốc sức vì nhà chồng, chiều mẹ chồng quá chiều vong mới được bà dần chấp nhận. Cũng may bản thân em công ăn việc làm ổn định, sống không phụ thuộc kinh tế, tài chính nhà chồng nên cũng đỡ.

 

Có điều đối với thông gia, mẹ chồng em vẫn xem thường lắm. Từ ngày vợ chồng em lấy nhau có mấy khi bà đặt chân tới cổng nhà em. Có lần bà còn nói thẳng với em là bà không thích về mấy chỗ nhà quê, nhìn thôi đã thấy ghê người.

Thật chứ nghe mẹ chồng nói em thấy tủi thân kinh khủng lại thương bố mẹ mà cũng chỉ biết im lặng. Khổ nỗi, bố mẹ em dưới quê lại sống tình cảm, nhà có việc gì cũng mời thông gia rồi mùa nào thứ đó, hoa quả rau tươi là cứ gửi ô tô biếu bố mẹ chồng em đầu tiên. Nuôi được con gà cũng thế, có khi nhà còn chưa được ăn đã bắt ngay con đầu đàn gửi biếu thông gia. Thế mà mẹ chồng em có hiểu cho tấm lòng của họ.

 

Có hôm thấy em ra bến nhận rau dưa bố mẹ gửi lên, mẹ chồng em chép miệng lắc đầu: ‘Con bảo với mấy người nhà con đừng gửi những thứ này lên, chỉ tổ rác nhà’.

Từ hôm ấy em tuyệt đối không cho bố mẹ gửi đồ lên nữa. Nhất là hôm qua ông bà nội làm đầy tháng cho con em. Vì là con đầu cháu sơm nên ông bà tổ chức lớn lắm. Bà đặt nhà hàng hơn chục mâm mời tất cả họ hàng nhưng tuyệt nhiên không đả động gì tới việc mời ông bà ngoại lên dự.

 

Sau chồng em nói quá, bà mới cau mặt gọi cho bố mẹ em song giọng bà khó chịu lắm: ‘Nếu ông bà lên được với cháu nó thì tốt, không lên được cũng không sao. Tôi sợ ông bà đã không có lại phải đi lại tốn kém thì khổ’.

Cách nói chuyện của bà đến chồng em nghe còn lắc đầu ngao ngán nhưng anh ấy bảo em: ‘Tính mẹ vậy rồi, em đừng để ý chấp nhặt với bà làm gì’.

Tất nhiên, em cũng chẳng dám tỏ thái độ. Đồng thời em vẫn bảo bố em cứ lên dự tiệc đầy tháng của cháu. Lúc thấy bố mẹ em ngơ ngác đi vào nhà hàng, mẹ chồng em nói mát: ‘Thế mà ông bà cũng lên à. Tôi đã bảo rồi, ông bà đã không có điều kiện thì việc gì phải bày đặt đi lại cho khổ’.

Bố em không nói gì, mẹ em cười tươi lấy trong túi chiếc hộp đựng chiếc lắc vàng đưa vào tay em rồi nhìn mẹ chồng em bảo: ‘Đầy tháng cháu chúng tôi chẳng biết cho cháu cái gì nên đánh tặng con bé chiếc lắc 2 cây. Nhờ mẹ nó giữ hộ để khi nào nó lớn hơn chút thì đeo cho nó’.

Khinh thông gia nghèo nên làm đầy tháng cho cháu nội không mời, tới khi nhìn món quà trên tay nhà ngoại tặng cháu mẹ chồng mới đỏ mặt cúi đầu vì ngượng-2
Ảnh minh họa

Mấy người ngồi bên thấy thế không ngớt lời khen ông bà ngoại chu đáo. Mẹ chồng em cũng nghệt mặt nhìn. Từ đó em để ý thái độ của bà thay đổi hẳn. Bà vồn vã nói cười với thông gia chứ không kiểu kênh kiệu xem thường bên nhà em như trước nữa.

Nói thật, chiếc lắc bà ngoại tặng con em là tiền em bỏ ra mua rồi đưa cho bà cầm tặng cháu cho có hình thức. Em làm vậy là muốn cho mẹ chồng phải thay đổi thái độ với thông gia. Không ngờ em chơi chiêu này lại hiệu quả trông thấy các chị ạ“.

Theo dõi hết câu chuyện của nàng dâu này, ai cũng phải công nhận mẹ chồng cô có phần ghê gớm và cổ hủ. Đúng là đi làm dâu, để chiều được lòng nhà chồng không hề đơn giản, tất cả đều phải lựa vào hoàn cảnh, lựa tính mẹ chồng mà theo. Giống như cách làm của cô con dâu này cũng khá khéo léo, vừa làm đẹp mặt bố mẹ lại vừa thay đổi được thái độ của mẹ chồng, quả là trọn vẹn cả đôi đường.