Theo Đại tướng Lương Tam Quang, khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động đối với 694 công an cấp huyện và khoảng gần 6.000 đội thuộc công an cấp huyện.
Ngày 18/2, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có những chia sẻ về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Theo Đại tướng Lương Tam Quang, lực lượng CAND sẽ tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ từ các bộ, ngành, gồm quản lý nhà nước và thực hiện bảo đảm an ninh hàng không; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp phiếu lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ tiếp nhận các Tổng Công ty để xây dựng nền công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp.
“So với những lần trước đây, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này của Bộ Công an được tiến hành đồng bộ cùng với tổng kết Nghị quyết số 18 của các cấp, các ngành, trong thời gian rất ngắn; song cũng giống các lần trước, đều có khối lượng công việc hết sức lớn, tiến hành với trách nhiệm rất cao, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn lực lượng với tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Bộ trưởng Công an nói.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Bộ Công an).
Chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, theo Đại tướng Quang, việc tổ chức bộ máy theo 4 cấp công an “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp mô hình Công an 4 cấp thành 3 cấp.
“Đối với công an địa phương điều chỉnh phương châm “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” sang “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”.
Công an cấp tỉnh giải quyết toàn diện mọi tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; công an cấp xã được tăng cường xây dựng vững mạnh, bám cơ sở, giải quyết các vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở”, ông nói.
Theo Người đứng đầu Bộ Công an, khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động đối với 694 công an cấp huyện và khoảng gần 6.000 đội thuộc công an cấp huyện.
“Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy công an địa phương nhằm thay đổi cơ chế vận hành, giảm tầng nấc để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ nhân dân.
Tiến hành bố trí, sắp xếp lại đối với hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ theo hướng điều động, bố trí, tăng cường cán bộ phù hợp tại công an cấp tỉnh và công an cấp xã, trong đó ưu tiên bố trí, tăng cường cán bộ tại công an cấp xã, nhất là tại các địa bàn có diện tích lớn, dân số đông, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa”, Đại tướng Lương Tam Quang cho hay.
Theo ông, chủ trương của Bộ Chính trị là duy trì, bảo đảm biên chế lực lượng vũ trang trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
“Bộ Công an tiếp nhận thêm nhiệm vụ từ các bộ, ngành nên không khuyến khích cán bộ, chiến sĩ nghỉ công tác trước hạn tuổi phục vụ, đồng thời, vẫn tích cực thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp phẩm chất, năng lực yếu kém”, vị Bộ trưởng chia sẻ.
Về việc đánh giá năng lực cán bộ và hiệu quả công tác, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết các tiêu chí sẽ được đo lường bằng chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự; sự hài lòng của nhân dân trong thực hiện các thủ tục hành chính về an ninh, trật tự.
Trong đó, với mô hình tổ chức mới, an ninh quốc gia sẽ được củng cố vững chắc trên các địa bàn, lĩnh vực, giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp; tội phạm được kéo giảm bền vững; người dân được sống bình yên, hạnh phúc trong xã hội ngày càng trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh với chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng được nâng cao.
Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, công an cả nước sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam. Vậy làm thẻ căn cước ở đâu?
Từ ngày 01/7/2024, làm thẻ căn cước ở đâu? (Hình từ internet)
1. Từ ngày 01/7/2024, làm thẻ căn cước ở đâu?
Nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước được quy định như sau:
– Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
– Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
– Cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại địa chỉ của cơ quan, tổ chức khác khi có văn bản đề nghị và cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.
– Cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại Công an cấp xã hoặc chỗ ở của người dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, tai nạn, khuyết tật và trường hợp đặc biệt khác khi cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.
Như vậy, công dân có thể làm thẻ căn cước tại công an cấp huyện, công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú hoặc tại một địa điểm khác do cơ quan quản lý căn cước quyết định.
Căn cứ pháp lý: Điều 27 Luật Căn cước 2023, Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BCA
>>> Xem thêm: Từ ngày 01/7/2024, làm thẻ căn cước cần đem theo những gì?
2. Các bước đi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024
2.1. Các bước đi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024 cho người từ đủ 14 tuổi trở lên
– Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
– Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
– Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
– Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
– Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
2.2. Các bước đi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024 cho người từ dưới 14 tuổi
Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:
– Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
– Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Căn cứ pháp lý: Điều 23 Luật Căn cước 2023