Một trong những hình ảnh còn đọng lại rất lâu trong lòng những người đã từng xem bộ phim Chạy án 2 là hình ảnh của một diễn viên hổ. Có lẽ, rất nhiều khán giả gần như vẫn chưa biết được diễn viên đặc biệt này đến từ đâu, được huấn luyện thế nào và việc tập cho nó đóng phim có khó không và hiện nay, “diễn viên” hổ đó sống thế nào?
Số phận của hổ diễn viên
Vào năm 2007, tôi đi cùng đoàn làm phim Chạy án 2, và diễn viên Nguyễn Hải lên trại hổ của “vua hổ” Ngô Duy Tân. Đây là lần đầu “tận mục sở thị” một chú hổ con lanh lợi, thân thiện, gần gũi đến thế nào. Khi ấy, để có được một diễn viên hổ, đoàn làm phim đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Ngô Duy Tân.
Còn nhớ, cuối năm 2006, khi lên thăm trại hổ của ông Tân, được nô đùa thỏa thích với chủ hổ con tên Ford, tác giả kịch bản phim Chạy án Nguyễn Như Phong liền đặt vấn đề cho hổ… đóng phim. Ông Tân cũng đồng ý! Về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Như Phong bắt tay “xây dựng” nhân vật hổ trong seri phim “Chạy án 2”.
Sáng ngày mùng 1 Tết năm Đinh Hợi (2007), ông Tân gọi điện cho Nguyễn Như Phong và hớn hở khoe là con hổ mẹ Arita đã đẻ được 3 con vào đúng lúc giao thừa. Quá mừng, Nguyễn Như Phong liền đề nghị ông Tân tách ra một con để nuôi cho quen hơi người.
Thế là, ông Tân đã tách chú hổ này ra khỏi mẹ và cho bú sữa cao cấp. Hổ con rất lành tính, coi người như bạn, hơn tháng tuổi, chú đã thích nghi với môi trường “máy lạnh và ghế sa lông”. Ông Tân còn dự định sang tận Trung Quốc tìm người huấn luyện cho diễn viên tương lai này và nhiều lúc, ông cũng tự mình huấn luyện cho nó.
Chú hổ có tên Leng cũng là do nhà văn Nguyễn Như Phong đặt cho. Đây cũng là cái tên đặc biệt, bởi vào năm 1989, nhà văn Nguyễn Như phong từng viết cuốn tiểu thuyết kể về cuộc sống của chú hổ tên Leng với một ông kiểm lâm về hưu, từ một câu chuyện có thật, một “chuyện tình” xúc động giữa thú dữ và con người.
Trong phim Chạy án 2, Nguyễn Như Phong đã xây dựng nhân vật hổ sinh sống trong gia đình vị Tổng giám đốc đầy mánh lới Lê Thanh. Khi sa cơ lỡ vận, Lê Thanh không còn bạn bè, chỉ biết tâm sự với hổ, coi nó là tri kỷ. Tên “cúng cơm” chú hổ là Leng, nhưng trong phim, lại có tên là Hot. Sở dĩ phải “thay tên đổi họ” cho nó là vì đạo diễn muốn có cái tên “ngầu” hơn một chút.
Diễn viên Nguyễn Hải (đóng vai tổng giám đốc Lê Thanh) phải vào trại hổ trước một tuần để làm quen với “bạn diễn”. Lần đầu “làm việc” chung với “diễn viên” Leng, dù “cậu bé” mới ngoài 40kg nhưng cái cốt, hồn “ông Ba Mươi”, oai phong lẫm liệt cũng đủ làm cả đoàn phim ai cũng hãi, nhất là các diễn viên nữ.
Diễn viên Nguyễn Hải và chú hổ Leng
Leng không lạ người, ngược lại, rất thích được vui đùa với đủ những trò tai quái của nó, nhưng khi đứng trước đoàn làm phim với máy móc và ánh sáng rực rỡ chói mắt liên hồi, Leng có vẻ hồi hộp, hoảng lên và cắn phá lung tung, đoàn làm phim phải mất một thời gian dài để chú làm quen với phim trường.
Leng hiếu động và nghịch ngợm. Diễn viên Nguyễn Hải kể lại, trong một vài cảnh quay đầu, anh bị Leng cào rách 2 bộ quần áo, bị nó vồ, táp cắn chảy máu chân. Những cảnh sau, Nguyễn Hải phải dùng bông để quấn xung quanh 2 cánh tay và chân rồi mới mặc quần áo vào để đề phòng, vậy mà có lần, anh vẫn bị Leng táp suýt mất luôn “của quý”.
Trên phim, Leng đã gây ấn tượng mạnh với người xem với “lối” diễn tự nhiên, đây là lần đầu tiên trên màn ảnh Việt Nam có một diễn viên là chúa sơn lâm thực thụ.
Thành công của phim Chạy án 2 đã có đóng góp không nhỏ của Leng, và cũng từ bộ phim Chạy án 2, người ta biết đến Leng nhiều hơn. Sau khi phim trình chiếu với những cảnh quay ấn tượng từ ngôi nhà của tổng giám đốc Lê Thanh, nhiều người hâm mộ diễn viên hổ đã kéo nhau về trại hổ của ông Ngô Duy Tân để “thực mục sở thị” diễn viên đáng yêu này, phần đông trong số họ, đến trước khi gặp Leng vẫn không tin Leng có thể diễn xuất tài tình đến thế.
Nguyễn Hải kể, sau khi bộ phim Chạy án 2 lên sóng, mỗi khi ra ngoài mọi người lại hỏi thăm Hải về “bạn diễn” của anh. Không ít người hỏi Nguyễn Hải: “Anh đóng với con hổ thật hay giả đấy?”. Nguyễn Hải cười, rồi vén tay áo khoe những vết sẹo nhỏ trên cánh tay.
Đạo diễn phim Chạy án 2 Vũ Hồng Sơn thì kể: “Ngay đến Hollywood cũng chỉ dùng thú giả kết hợp kỹ thuật vi tính để làm phim chứ không dùng thú dữ thật, đằng này, chúng tôi phải chỉ đạo diễn xuất cho một chú hổ, dù bé, nhưng rất hoang dã. Leng đã mang lại những sắc màu tươi lạ cho bộ phim Chạy án 2.
Mới đây, khi gặp lại “vua hổ” Ngô Duy Tân, ông thông báo rằng, sau thời gian lâm bệnh nặng, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, Leng đã ra đi trong một chiều mưa, cái chết của một “diễn viên tài danh, bạc mệnh”. Ông Tân đã nuôi qua tay mình hàng chục con hổ, cũng có con đã chết, vì bệnh tật, già yếu, nhưng cái chết của Leng khiến ông đau buồn nhất.
Leng là chú hổ rất thông minh và thân thiện. Ông Tân kể lại, một tháng sống với phim trường, cùng các diễn viên Chạy án, sau khi đoàn phim đi rồi, Leng đâm ra… thờ thẫn.
Rồi đến khi Leng được hơn 60 kg, ông Tân phải đem Leng nhốt vào trại chung với đồng loại mình, Leng buồn bã hẳn. “Cu cậu” như tự tách mình ra khỏi đồng loại, thui thủi một mình, chỉ khi nào gặp người “vú nuôi” đến cho ăn, tắm rửa, thì cậu mới lanh lẹ ra, lao thẳng đến, áp sát mình vào lưới thép, rên “gừ gừ”.
Ngày “hỏa táng” Leng, ông Tân không dám ở nhà, “phó thác” chuyện tro cốt cho những “vú nuôi”. Giờ, mỗi khi ra trại hổ, ông Tân lại nhớ những bước đi lầm lũi, nhưng đầy oai dũng của Leng. Ông còn nhớ, hồi Leng còn bé, có lần nó gặm máng nước đến rách cả miệng, lưỡi hổ rất độc, Leng càng liếm, vết thương càng lở loét, rồi Leng bị sốt, nằm liệt tưởng chết.
Tác giả kịch bản “Chạy án” đang “ngủ” với diễn viên hổ
Ông Tân phải mời bác sĩ thú y từ TPHCM lên chữa chạy, ngày đầu tiên, phải 3 người mới “khống chế” nổi Leng để bác sĩ chích thuốc, nhưng đến ngày sau, chỉ cần gọi tên Leng, “cu cậu” đã phục hai chân trước, trườn lại một cách điệu nghệ như một chú chó con.
Cho đến giờ, ông Tân cũng không biết rõ về nguyên nhân cái chết của Leng. Cái “sự chết” của những vị chúa sơn lâm cũng thật đặc biệt, không một tiếng tru, lặng lẽ đến nỗi ngay cả các “vú nuôi” cũng chỉ phát hiện khi tắm cho chúng, chúng vẫn nằm trong chuồng như đang trong giấc ngủ ngon.
Nhân đây cũng phải nói thêm về những “thủ tục” mỗi khi có một chú hổ nuôi “qua đời”. Trại hổ phải trình báo các cơ quan chức năng, rồi các cơ quan chức năng phải thành lập hội đồng giám định xác hổ, xem hổ chết thật chưa, thành lập thêm một “hội đồng thiêu xác hổ”, phải đến 5 người “canh me” từ lúc đưa xác hổ lên “giàn thiêu” đến khi “vị chúa sơn lâm” chỉ còn là một đống tro tàn. Xem ra, để làm thủ tục “báo tử” cho một con hổ, nhiêu khê hơn cả con người…
Ông Tân dẫn tôi ra miếu Ngũ Hổ, một khu thờ tự đặc biệt, ông xây dành cho một niềm tin tâm linh đối với loài hổ. Ngôi miếu nhỏ, nghi ngút khói hương, 5 bát nhang dành cho 5 con hổ đã chết. Hễ khi có con hổ nào chết, ông Tân cũng tự tay mình thắp nhang, đọc bài điếu cho chúng. Đối với ông Tân, những con hổ từng sinh sống trong trang trại của ông đều có một số mệnh. Ông nói rằng: “Tôi nuôi hổ là vì yêu hổ và vì tâm linh (hổ là linh vật)”.
Sau cái chết đột ngột của Leng, thêm nhiều chuyện trắc trở trong kinh doanh, dư luận không tốt về việc ông nuôi đàn hổ, không ít lần, người nuôi hổ số 1 Việt Nam đã từng muốn “buông” đàn hổ của mình.
Nỗi lòng của người nuôi hổ số 1 Việt Nam
Trang trại hổ của ông Ngô Duy Tân vẫn không khác nhiều so với những năm trước đây, 31 con hổ với nhiều thế hệ được bao bọc bởi một hàng rào sắt B40, được gia cố thêm 1 lớp song sắt phi 10. 31 con hổ hiện nay cùng những con hổ đã chết đều có giấy khai sinh, một sự thừa nhận về mặt luật pháp cho sự tồn tại của chúng.
Những con hổ vằn vện vẫn lững thững, oai vệ dạo trong “giang sơn” riêng biệt được ngăn cách bởi hàng rào thép chắc chắn. Nắng thì chui vào “nhà 2 lầu” (chuồng hổ trong trại được xây 2 tầng), khi mưa thì gầm rú rủ nhau ra bãi cây cỏ hoang nô giỡn. Buổi sáng, chúng đua nhau “tập thể dục”: chạy nhảy, vồ nhau rồi chạy đến thân cây mài vuốt.
Tối “kẻ” thì nằm ngửa, “kẻ” nằm sấp lim dim ngắm trăng (theo các “vú nuôi” hổ rất khoái ngắm trăng và tắm mưa). Đến bữa nếu gặp mồi sống (gà), chúng còn giỡn cho gà chạy loạn để rượt, vồ. Mấy ai biết, để có những cảnh tượng thú vị trên, ông Tân đã bỏ ra hơn 20 tỉ đồng cho việc gây nuôi, phát triển đàn hổ.
Còn nhớ, vào một ngày giữa năm 2000, có hai người từ biên giới Campuchia đến tìm gặp ông Tân và nói rằng họ có 5 chú hổ con khoảng 30 ngày tuổi muốn bán. Nhìn 5 chú hổ để trong rọ, con nhỏ nhất chỉ khoảng 3 kg và con lớn gần 5 kg, ông Tân mê ngay.
Nhưng khổ một nỗi, lũ hổ này đang lúc dở sống, dở chết, con nào chân sau cũng gần bị liệt, sờ vào lạnh ngắt. Cuối cùng ông quyết định bỏ ra 200 triệu đồng để có được 5 chú hổ con. Và sau đó ông tự tay chăm sóc cho chúng, bón sữa tươi cho chúng, mua thịt gà về xay nhuyễn đút cho chúng ăn, nhưng những chú hổ ngày một yếu đi, ông lại tự mình ôm đàn hổ con cầu cứu khắp nơi… Đến đâu người ta cũng lắc đầu, không ít người khuyên ông nên đem về mà… nấu cao toàn tính.
Nhiều đêm trằn trọc, rồi ông chợt nhớ ra, chúng là linh vật của rừng thì có lẽ cho chúng ăn theo kiểu… “của rừng”. Nghĩ vậy, hôm sau, ông Tân quyết định cho chúng ăn thịt gà còn nguyên cả tiết. Bọn hổ ăn xong buổi sáng, buổi chiều đã thấy có chút sinh khí trong ánh mắt.
Thế là ông quyết định cho chúng ăn thịt còn nguyên cả tiết, thậm chí lấy tiết gà, tiết heo cho chúng uống thay sữa… Chỉ sau vài ngày dùng thứ “thần dược” đó, lũ hổ đã cứng chân và ngày càng khỏe ra. Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cũng tạm đồng ý để ông nuôi lũ hổ, đồng thời khuyến cáo ông không được bán, hay nấu… cao và phải báo cáo cho chi cục về tình hình phát triển của chúng. Ông Tân chấp thuận ngay.
Năm con hổ đầu tiên được nuôi sống và lớn nhanh như thổi, đặc biệt là con hổ đực đầu đàn có tên là Simba. Ông Tân quyết định phải tạo môi trường sống cho chúng thật gần với thiên nhiên và cho chúng ăn như hổ rừng. Đận ấy, ông bỏ ra gần 6 tỉ đồng để làm một khu chuồng rộng lớn với tất cả những “tiện nghi” cần thiết cho hổ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người chăm sóc chúng.
Ông nhớ lại, lúc công việc kinh doanh chưa mạnh, ông phải đi vay lãi để mua thịt, quyết không để hổ đói. Nghĩ lại mà thấy xót con mình, buổi sáng đi học phải ăn cơm nguội, vì mỗi đứa chỉ được ông cho 2.000 – 3.000 một ngày. Trong khi một con hổ trưởng thành mỗi ngày ăn hết 3 con gà, khoảng 300.000 đồng.
Đến năm 2004, một điều kỳ diệu đã xảy ra, con hổ cái Ami mang thai, từ ấy, ông Tân tìm hiểu về đời sống “riêng tư” của loài hổ, nhân giống chúng. Ông cắt cử hẳn 2 nhân viên chăm sóc hổ. Đến năm 2007, đàn hổ của ông Tân đã lên đến con số 29. Cho đến nay, đầu tư hàng chục tỉ đồng vào đàn hổ nhưng ông Tân nào được “lợi lộc” gì ngoài chuyện người ta biết đến thương hiệu bia hơi Pacific do ông sở hữu, vậy mà những rắc rối lien quan đến đàn hổ ông phải gánh chịu lại nhiều không kể xiết.
Ông Tân tâm sự, việc nuôi hổ vất vả, tốn kém là vậy, lại thêm quy định của ngành Kiểm lâm là cấm mọi hình thức thương mại, khi hổ đẻ phải khai báo, không được cho, tặng. Khi hổ chết phải tiêu hủy bằng cách đốt trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng thì việc duy trì đàn hổ… là nỗ lực của riêng ông, như lời ông Tân đã hứa với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nuôi hổ là nuôi đàng hoàng, không kinh doanh, buôn bán, nói gì đến thịt chúng!
Có lần, ông “vua hổ” gọi cho tôi và bảo muốn bàn giao đàn hổ cho trung tâm, cơ sở nào có điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn mình. Ông Tân phân trần, hôm rày, báo chí đưa tin hổ vồ chết người ở Khu du lịch Đại Nam, rồi dẫn chuyện chuồng hổ của ông còn thiếu an toàn, ông bảo: “Tôi và anh em tôi ở trong trại hổ, nếu không an toàn, có nghĩa tôi tự hại mình, anh em mình trước.
Con hổ, dù thế nào cũng không thể quý bằng mạng sống con người!”. Gần 9 năm nuôi hổ, chăm chúng từ trong bụng mẹ, ông thuộc từng tính nết của những “Ông Ba Mươi”. Ông Tân cũng biết rõ về cái gọi là bản năng hoang dã của loài hổ, nào dám “vuốt râu hùm”.
Hổ lớn qua cỡ 50kg, ông đã cho thiết kế thêm chuồng và nhốt chúng vào, thân thiện với con người như con Leng cũng không ngoại lệ. Phương án nuôi cấy, sinh sản hoặc thiết kế xây dựng chuồng trại nuôi nhốt thú hoang dã, trong đó có loài hổ đều do ông tự học hỏi, tự thực hiện chứ chưa có quy chuẩn chung nào.
Ông Tân cũng bức xúc cho rằng, không hiểu vì sao đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi Chính phủ cho phép nuôi hổ thí điểm, các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được quy chuẩn thống nhất cho các cơ sở. Để duy trì trại hổ, ông đã phải lấy nguồn thu từ việc sản xuất bia để bù đắp. Vài năm gần đây, việc kinh doanh bia của Pacific cũng gặp nhiều khó khăn, ông Tân buộc phải tiến hành “kế hoạch hóa gia đình” cho bầy hổ.
Lúc sinh thời, đã có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm trại hổ, cố Thủ tướng từng cho rằng: Ông Tân nuôi hổ với tất cả tình cảm, trách nhiệm để bảo tồn và phát triển loài động vật quý hiếm, phải khuyến khích, phải giúp đỡ người ta.
Từ 5 con hổ bệnh tật, ông Tân mua về cứu chữa, chăm sóc, rồi phát triển thành cả bầy hổ. Phải tốn kém, trách nhiệm lắm mới làm được. Từ trước tới nay, chưa bao giờ có ai làm tốt như thế, chưa bao giờ có chuồng trại an toàn như thế, chăm sóc tốt như thế, sinh sôi nảy nở nhiều như thế!
Ông Tân thẳng thắn: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn xác định những con hổ này là tài sản chung của đất nước. Tôi chỉ là người “nuôi hộ” vì yêu chúng!”.
Người viết chợt nghĩ: Nếu hồi xưa ông Ngô Duy Tân thờ ơ, lạnh lùng và sợ hãi, không bỏ hàng trăm triệu để cứu lấy tính mạng 5 chú hổ con, đầu tư hàng chục tỉ đồng để nuôi “báo cô” hàng chục con hổ… thì bây giờ làm gì có bầy hổ 31 con để dư luận… râm ran?
Lại nghĩ, cho đến nay, ngay cả quốc gia phát triển trên thế giới vẫn khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển loài hổ, việc ông Ngô Duy Tân nhân giống, phát triển đàn hổ nuôi là một kỳ tích, nên chăng, trước nguy cơ đàn hổ nuôi không có điều kiện phát triển, việc bảo tồn hổ chỉ nên dừng lại ở thế hệ F1, có nữa là F2, khi người ta nuôi được hổ đẻ, nhân giống và nuôi thành công, các cơ quan chức năng nên cho các chủ trại thương mại chúng, “lấy mỡ nó rán nó”, nhằm phát triển đàn hổ nuôi lên hàng trăm con theo dự tính của ông Tân năm xưa?