×

Thời gian cấp huyện dừng hoạt động là khi nào?

Dự thảo luật được Bộ Nội vụ xây dựng theo hướng, HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố và thị xã sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/7, trừ một số trường hợp chuyển tiếp theo quy định.

Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), gửi xin ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9.

Theo Bộ Nội vụ, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Tại tờ trình mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu rõ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện.

Việc sửa đổi này nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành luật.

Tuy nhiên, do quy định về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo 3 cấp (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Vì vậy, theo Bộ Nội vụ, phải sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và những vấn đề phát sinh.

Cơ cấu tổ chức cấp xã như “huyện thu nhỏ”

Dự thảo luật quy định cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) thiết kế như đối với cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa 40 đại biểu, có 2 Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội; UBND cấp cơ sở, được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.

 

 

 

 

 

 

Đáng chú ý, về hiệu lực thi hành, dự thảo sửa đổi quy định, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất, HĐND, UBND, chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ ngày 1/7 (trừ một số trường hợp chuyển tiếp).

Bãi bỏ toàn bộ, hoặc một số điều luật, nghị quyết

Theo dự thảo luật, đối với tổ chức chính quyền địa phương ở phường thuộc TP.HCM và thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục thực hiện theo các nghị quyết được Quốc hội ban hành trước đó. Cụ thể là Nghị quyết số 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Nghị quyết số 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 136/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2026 – 2031 được bầu ra.

Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận (trước khi giải thể) thuộc TP.HCM, thành phố Đà Nẵng do Quốc hội quy định tại Nghị quyết về sắp xếp TP.HCM với các đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan; sắp xếp thành phố Đà Nẵng với đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan và thực hiện cho đến khi UBND thành phố, UBND phường thuộc TP.HCM, thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2026 – 2031 được bầu ra.

Cũng theo dự thảo luật, kể từ ngày 1/7/2025 sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc bãi bỏ các điều, khoản, chương tại một số luật, nghị quyết.

Cụ thể bao gồm: Chương II của Luật Thủ đô; khoản 2, điều 6 Nghị quyết số 137 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 169 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Kể từ ngày 1/5/2026, bãi bỏ Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (hết hiệu lực thi hành).

Kể từ ngày 1/5/2026 sẽ bãi bỏ khoản 2, khoản 3 điều 9 và điều 10 trong Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; bãi bỏ điều 7 và 8 của Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Related Posts

Our Privacy policy

https://expresstin.com - © 2025 News