Cầu Chương Dương tiếp nhận 95.000 lượt phương tiện mỗi ngày, vượt 8 lần thiết kế, ùn tắc triền miên ở đường dẫn lên cầu.
Quá tải, thường xuyên ùn tắc
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1985.
Đây là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực để làm công trình cầu lớn.
Cầu Chương Dương qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Ảnh: Hữu Chánh
Mỗi ngày, cầu Chương Dương tiếp nhận khoảng 95.000 lượt phương tiện qua lại. Ảnh: Hữu Chánh
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, sau gần 40 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu và khe co giãn đã bị xuống cấp nhanh chóng; mặt cầu xuất hiện ổ gà; lớp bêtông phủ mặt cầu bong tróc ở một số vị trí; bên cánh gà cũng đã hư hỏng, lớp bêtông bị bong tróc làm lộ phần cốt thép; xuất hiện han gỉ tại nhiều vị trí…
Những nội dung này đã được Sở GTVT báo cáo thành phố và được phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa. Dự kiến, dự án sửa chữa cầu sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2026. Hiện tại cầu vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường.
Phương tiện xếp thành hàng dài trên đường Trần Quang Khải hướng lên cầu Chương Dương. Ảnh: Hữu Chánh
Cầu Chương Dương đã vượt tải 8 lần thiết kế. Ảnh: Hữu Chánh
Theo dữ liệu quan trắc của Sở GTVT Hà Nội, mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp 8 lần (về số lượng phương tiện) so với thiết kế.
Anh Lê Huy Sơn (36 tuổi, quận Long Biên) cho biết, nếu phải di chuyển vào khung giờ cao điểm sẽ mất ít nhất 15-20 phút mới nhập được vào cầu Chương Dương để rời trung tâm thành phố.
Tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng nhất trên đường Trần Nhật Duật, đoạn từ phố Hàng Đậu lên cầu và trên đường Trần Quang Khải, đoạn từ cửa khẩu Chương Dương lên cầu Chương Dương để sang quận Long Biên.
Dù lực lượng cảnh sát giao thông luôn túc trực, thực hiện công tác phân luồng, điều tiết giao thông vào giờ cao điểm ở khu vực đầu cầu Chương Dương nhưng tình hình ùn ứ vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Mong các dự án xây dựng cầu qua sông Hồng sớm triển khai hoàn thành để người dân không phải khổ sở vật lộn với ùn tắc, khói bụi mỗi ngày ở khu vực cầu Chương Dương” – anh Sơn nói.
Chờ 2 dự án xây cầu “giải cứu”
Trong tương lai, sau khi cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên hoàn thành xây dựng, khi đó cầu Chương Dương sẽ được giải phóng lượng lớn phương tiện, giảm tình trạng quá tải.
Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng cách cầu Chương Dương khoảng 2km. Công trình có chiều dài và đường dẫn khoảng 6,5km nối quận Hoàn Kiếm – Hai Bà Trưng với Long Biên.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu sẽ được Sở GTVT Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và báo cáo thành phố trong tháng 2.2025.
Thành phố cũng đã chấp thuận cho chuyển dự án đầu tư xây dựng cầu sang hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư khoảng 14.500 tỉ đồng.
Sở GTVT nhận định, công trình cầu Trần Hưng Đạo có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao ở nội đô như hiện nay. Tuy nhiên dự án còn có nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng trong khu vực nội đô lịch sử.
Cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho cầu Chương Dương. Ảnh: Hữu Chánh
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được triển khai theo hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng).
Địa điểm xây dựng cách cầu Chương Dương khoảng 3km, nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối phường Yên Phụ, Tứ Liên (quận Tây Hồ) với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài.
Dự kiến tháng 1.2025, UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỉ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng quá tải, áp lực lên hạ tầng đô thị ngày một lớn thì việc sớm triển khai dự án cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên đang là vấn đề cần thiết và cấp bách.