Mức lương của chủ công Trần Thị Thanh Thúy khi thi đấu ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia Indonesia nhận được nhiều sự quan tâm.
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy được dự đoán nhận mức lương hấp dẫn khi xuất ngoại sang Indonesia. Ảnh: Petrovoli_
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy hiện đang tích cực cùng câu lạc bộ Gresik Petrokimia Pupuk tập luyện để chuẩn bị cho ngày khởi tranh giải bóng chuyền vô địch quốc gia Indonesia (Proliga) 2025.
Tay đập của Việt Nam sẽ có trận đấu đầu tiên ở giải này vào ngày 5.1, chạm trán Jakarta Pertamina Enduro. Người hâm mộ đang kì vọng nữ thủ quân của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ được trao cơ hội và sớm ghi dấu ấn trong màu áo câu lạc bộ mới.
Ở chuyến xuất ngoại lần này, bên cạnh yếu tố chuyên môn, mức lương của Trần Thị Thanh Thúy cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hợp đồng của Thanh Thúy với đội bóng sẽ có thời hạn trước mắt là 1 mùa giải. Giá trị chuyển nhượng của cô đến với đội bóng tại Indonesia không được tiết lộ.
Theo tờ Salary Expert, Proliga là nơi có trả lương cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 5 tốt nhất tại châu Á. Được biết, các cầu thủ khi thi đấu ở giải này có thu nhập trung bình khoảng 135 triệu Ruipah ( tương đương khoảng 8.360 USD = 213 triệu đồng) cho mỗi mùa giải kéo dài 4 tháng, cao hơn gấp 5 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở Indonesia.
Mức lương dành cho các cầu thủ nước ngoài thi đấu tại Proliga thậm chí còn hấp dẫn hơn. Cầu thủ Gina Mambru (Dominica), người từng thi đấu cho câu lạc bộ bóng chuyền nữ TPHCM ở giải vô địch quốc gia Việt Nam năm 2023 từng lập kỉ lục khi có mức lương 60.000 USD khi chơi cho Pgn Popsivo Polwan ở mùa giải 2017.
Các cầu thủ thi đấu ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia Indonesia có thu nhập nằm trong top 5 cao nhất châu Á. Ảnh: TVONE News
Proliga mùa giải 2025 sẽ diễn ra từ ngày 3.1 đến 11.5.2025 (hơn 4 tháng). Chủ công Trần Thị Thanh Thúy có thể nhận mức lương rơi vào khoảng 40-60 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng và chi phí bên ngoài.
Đây không phải số tiền lớn nhất mà tay đập quê Bình Dương từng nhận được khi xuất ngoại so với thời gian còn thi đấu ở Nhật Bản, Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, với khả năng và những dấu ấn đã thể hiện, Thanh Thúy chắc chắn sẽ nhận được mức đãi ngộ cao hơn rất nhiều lần so với bình quân của các tay đập đang thi đấu trong nước.
Ngoài ra, mức lương của 1 cầu thủ trong đội bóng chuyền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như vị trí thi đấu, thành tích cá nhân và tập thể, độ nổi tiếng, nguồn tài trợ của câu lạc bộ….
Thanh Thúy kí hợp đồng với đội Gresik Petrokimia Pupuk trước mắt là 1 mùa giải. Ảnh cắt từ video
Gresik Petrokimia Pupuk là câu lạc bộ nước ngoài thứ 6 trong sự nghiệp của Trần Thị Thanh Thúy sau Bangkok Glass (Thái Lan), Attack Line (Đài Loan, Trung Quốc), Denso Airybees, PFU BlueCats (Nhật Bản) và Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phía đội VTV Bình Điền Long An khẳng định, công ty cũng như đội bóng luôn tạo điều kiện để nữ chủ công có cơ hội thi đấu ở nước ngoài, qua đó phát triển hơn nữa kĩ năng chuyên môn.
Tại Gresik Petrokimia Pupuk, Thanh Thúy sẽ là vận động viên lớn tuổi nhất đội, cùng với libero Ayu Salsabila. Còn lại là lực lượng cầu thủ trẻ, hầu hết là các vận động viên sinh từ năm 2000 trở đi.
Thanh Thúy cũng là cầu thủ duy nhất nằm trong top 500 thế giới ở đội hình Gresik Petrokimia Pupuk nên cơ hội để cô ra sân thi đấu rất lớn. Nếu thường xuyên thi đấu, Thanh Thúy sẽ có cơ hội đối đầu với các vận động viên kì cựu, có trình độ chuyên môn cao, qua đó tích lũy kinh nghiệm về chuyên môn và bản lĩnh thi đấu cho bản thân mình.