Cuối ngày 19/9, hình ảnh một lớp học Trung học Phổ thông trình chiếu hình ảnh bản đồ Trung Quốc kèm với “đường lưỡi bò” được lan tỏa trên nền tảng mạng xã hội Facebook đang gây ra nhiều ý kiến quan ngại về hoạt động giáo dục.
Cụ thể, hình ảnh ghi nhận được cho thấy lớp này đang trong giờ giảng dạy tiếng Trung Quốc, phần học cách gọi tên các nước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nằm ở tấm hình bản đồ Trung Quốc đi kèm với “đường lưỡi bò”.
Hình ảnh lớp học tiếng Trung Quốc tại một trường THPT trình chiếu bản đồ có “đường lưỡi bò”. Ảnh: Chụp màn hình
Ngay lập tức, nhiều ý kiến bình luận đã bày tỏ sự phản đối đối với đơn vị trình chiếu hình ảnh bản đồ không chính xác này. Điển hình, tài khoản có tên Kim Trường nhận định: “Mấy bạn học tiếng Trung Quốc nên nâng cao tinh thần cảnh giác và tự tôn dân tộc. Một số dạy tiếng Trung Quốc rất hay lồng ghép đường 9 đoạn vào tài liệu giảng dạy. Chúng ta không quyết liệt thì chúng còn tồn tại dài dài. Thấy cái bản đồ này thì quyết liệt đòi lại học phí và báo công an ngay”.
Một ý kiến khác nhận định: “Trước giáo trình tiếng Trung Quốc của mình cũng bị dính hình ảnh đường lưỡi bò, cuối cùng nhà trường phải thu lại hết để giải quyết bằng cách xé trang đó đi. Nói chung là giáo trình của Trung Quốc, khi học soi kỹ vào, nhất là với mấy hình ảnh bản đồ ấy, đôi khi người cung cấp giáo trình họ cũng không kiểm tra lại trước khi xuất bản đâu”.
Ngoài ra, nhiều nhận định cho rằng nên tuyên dương bạn học sinh đã mạnh dạn chụp lại tấm hình và nhìn ra điểm không chính xác.
Mặt khác, một số ý kiến nhận định: “Cộng đồng mạng hãy bình tĩnh trước khi có những lời lẽ không hay với trường. Ngoại ngữ 2 môn tiếng Trung, thường là liên kết với một bên thứ 3 (trung tâm) để giảng dạy, sử dụng cơ sở vật chất tại nhà trường. Còn thầy cô và quá trình giảng dạy đều là bên ngoài và trường không tham gia vào. Trường cũng có cái sai khi không kiểm soát chặt chẽ bài giảng của thầy, cô của trung tâm để xảy ra sự cố như này nhưng trường cũng không ngờ đến sẽ xảy ra việc này”. Đồng thời, người này cũng cho biết phía nhà trường hiện đang giải quyết và sớm làm rõ vụ việc.
Đáng chú ý, nhiều thông tin cho biết rằng lớp học này thuộc một trường Trung học Phổ thông trên địa bàn quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Trên thực tế, theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, câu chuyện Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” vào các sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí… không chỉ nóng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Nhật Bản, Philippines, thậm chí ở nhiều nước phương Tây.
Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa “đường lưỡi bò” vào các sản phẩm giải trí, văn hóa, hình ảnh bản đồ không chính xác này hiện đã được ghi nhận xuất hiện tại nhiều chương trình giảng dạy tại Việt Nam, tiếp cận với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị các thầy, cô, người giảng dạy liên quan đến các hình ảnh bản đồ, chủ quyền của đất nước Việt Nam cần phải hết sức lưu ý để tránh gây ra những hậu quả không như mong muốn.
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi “đường 9 đoạn” là một đoạn đường đứt khúc ban đầu có 11 đoạn bao quanh các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Tuy nhiên vào năm 1953, “đường 11 đoạn” này được Trung Quốc điều chỉnh thành “đường 9 đoạn” (bỏ 2 đoạn nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ).
Trung Quốc luôn khẳng định đã đặt tên cho các thực thể ở biển Đông từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh việc Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh Việt Nam đã quản lý hiệu quả hai quần đảo này từ thời kỳ phong kiến. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính hai quần đảo này trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến.