Từ đêm qua đến sáng nay 10-9, lũ sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội dâng cao, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Hà Nội liên tục phát các lệnh báo động lũ để 10 quận huyện ven sông lên phương án ứng phó.
Chưa bao giờ lũ sông Hồng dâng cao và nhanh như vậy
Đến 11 giờ ngày 10-9 mức nước sông Hồng qua khu vực Long Biên (Hà Nội) đang ở mức báo động I là 9,50 m. Lũ sông Hồng dâng cao khiến nhiều nhà, hoa màu ven sông bị ngập lụt. Chính quyền địa phương các quận huyện khẩn cấp sơ tán người dân và tài sản để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.
Lực lượng chức năng huyện Mê Linh (Hà Nội) hỗ trợ người dân ven sông Hồng di dời người và tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh: Liêm Thanh)
Nhiều hộ dân ven sông cho hay, lũ sông Hồng bắt đầu gây ngập lụt từ chiều ngày 9-9 và vẫn tiếp tục dâng cao. Từ chiều 9-9 đến 10 giờ sáng ngày 10-9, mức nước sông Hồng đã dâng cao khoảng 1,5 m.
Theo người dân, chưa bao giờ họ chứng kiến lũ sông Hồng dâng cao và nhanh như vậy.
Tại huyện Mê Linh, từ chiều 9-10, ngay khi nhận được tin cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời các hộ dân và gia súc, gia cầm ở các lều lán, trang trại ven sông Hồng thuộc xã Văn Khê đến nơi an toàn.
Còn tại khu vực quận Hoàn Kiếm, lũ sông Hồng dâng cao khiến phường Chương Dương và Phúc Tân ảnh hưởng trực tiếp. Từ đêm 9-10, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu di dời khẩn cấp 60 hộ dân (200 nhân khẩu) ở phường Chương Dương, 70 hộ dân (260 nhân khẩu) ở phường Phúc Tân đến nơi an toàn.
Kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời các hộ dân ven sông Hồng vào sáng ngày 10-9, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu lực lượng chức năng di dời ngay các hộ dân trước khi nước sông Hồng lên báo động 1 (nước dâng 9,5m).
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời các hộ dân ven sông Hồng bị ngập. (Ảnh: TP)
Dự kiến trong chiều nay, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục di dời các hộ dân theo phương án dự phòng trong trường hợp lũ sông Hồng dâng cao ở mức báo động 2.
Tương tự, từ đêm qua cho đến rạng sáng nay 10-9, chính quyền quận Ba Đình cũng tổ chức di dời các hộ dân ở bãi giữa và khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá đến nơi an toàn. Cụ thể có bốn hộ, với chín người ở bãi sông và năm hộ, với 15 người ở khu vực xóm trọ mép bờ sông Hồng đã được di dời.
Lực lượng quân đội huy động phương tiện giúp người dân ven sông Hồng bị ngập lụt di dời đến nơi an toàn. (Ảnh: Liêm Thanh)
Lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008
Kiểm tra công tác ứng phó với lũ sông Hồng dâng cao tại tại khu vực Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là đợt nước lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008.
“Diễn biến thời tiết cực kỳ bất thường, do vậy phải đặt ra tình huống ngập lụt cao hơn với thực tế để lên phương án di dời dân”, ông Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết trong mùa mưa bão. Do vậy, địa điểm nào cần phải di dời dân là phải thực hiện ngay. Cùng với đó là phải bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân ở nơi đến.
Chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với lũ lớn trên các sông ở Hà Nội sáng ngày 10-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, hiện các hệ thống thủy điện đang tăng cường xả lũ, nguồn nước về hạ lưu lớn, diễn biến lũ trên sông Hồng và các sông khác rất phức tạp.
Tại Hà Nội, một số địa phương đã có thông tin về hiện tượng tràn hệ thống đê bao cấp 2, nguy cơ ngập lụt.
Theo đó, ông Quyền đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, ứng phó mưa lũ theo tinh thần từ sớm từ xa và sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các địa phương tiếp tục tổ chức ứng trực, nắm bắt tình hình xả lũ để thông tin kịp thời đến người dân tại các địa phương ven sông biết, chủ động phòng tránh. Duy trì cơ chế thông tin, liên lạc và các điều kiện ứng phó với mưa lũ trên các sông.
Kiểm soát chặt chẽ các điểm dân cư ven các tuyến sông, khu vực bãi giữa. Đồng thời, lên phương án và biện pháp để kiên quyết di dời, tuyệt đối không để thiệt hại về người; phân công nhiệm vụ các cấp hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản.
Kịp thời cứu hộ 5 người dân mắc kẹt ở bãi ven sông Hồng
Đêm 9, rạng sáng 10-9, nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt toàn bộ khu vực bãi ven sông Hồng, đoạn qua xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Một số người dân làm nông nghiệp ở bãi ven sông Hồng, sống trong các nhà tạm để thuận tiện cho sản xuất, đêm đến nước lũ dâng nhanh không kịp chạy nên bị mắc kẹt.
5 giờ sáng, nhận được tin báo của người dân, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cùng lực lượng chức năng địa phương vội vàng đến khu vực bị ngập lụt và cứu hộ kịp thời 5 người dân bị mắc kẹt đến nơi an toàn, trong đó có 2 trẻ em.
Kịp thời cứu hộ 5 người dân, trong đó có cả trẻ em trong khu vực ngập lụt ở bãi ven sông Hồng đến nơi an toàn. Ảnh: CTV
Ngoài ra, chính quyền xã cũng kịp thời di dời được một số tài sản của người dân, là một số con gia súc, gia cầm.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, cho biết nước sông Hồng mới sát mức báo động 1 nhưng toàn bộ khu bãi ven sông Hồng đoạn qua xã Hồng Hà đã ngập sâu. Khi mực nước sông Hồng lên báo động 2 sẽ phải tiến hành di dời nhiều hộ dân trong khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Để kịp thời ứng cứu, xã đã rà soát, thống kê các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng. Hiện thống kê cho thấy có khoảng 891 hộ/4.100 nhân khẩu nằm trong vùng bị ảnh hưởng ngập lụt có thể phải di dời.
Không riêng gì Đan Phượng, sáng sớm nay, nước sông Hồng cũng lên nhanh làm ngập bãi giữa, đoạn qua khu vực trung tâm TP Hà Nội. Tại khu vực phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ sau một đêm, mực nước sông Hồng dâng cao cả mét. Vườn trồng đào của người dân ở Phú Thượng chìm trong nước.
8h30 sáng 10-9, Hà Nội cũng hạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua cầu Chương Dương do nước sông Hồng lên cao, chảy xiết. Đến trưa nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành lệnh báo động I trên sông Hồng vào tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. AN HIỀN