Cả năm cật lực làm việc để được đứng đầu trong bảng xếp hạng KPI, thế nhưng thưởng Tết lại bị “cào bằng” ai cũng như ai, quá bức xúc nên tôi gửi email xin nghỉ việc.
Đã gần rằm tháng Giêng, tôi vẫn ở quê đọc báo, lướt xem các bình luận xoay quanh những câu chuyện dở khóc dở cười về thưởng Tết; trong khi vào ngày này năm ngoái, tôi đã lên thành phố trở lại công việc được một tuần.
Năm Giáp Thìn này, đầu năm tôi đã thất nghiệp.
Câu chuyện của bản thân mà tôi sắp kể đây không biết có đồng cảnh ngộ với nhiều người, hay lại gây ra những cái bĩu môi chê “chừng đó tuổi đầu mà còn bộp chộp, làm giá!”.
Tôi là nữ, 29 tuổi. Cách đây nửa tháng, tôi còn là nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông khá lớn ở TP.HCM.
(Hình minh họa)
Xét về thâm niên làm việc, nếu so với những bạn cùng tuổi thì trong công ty không ai hơn tôi cả. Xét về hiệu quả công việc, năm nay tôi đứng đầu trong bảng xếp hạng KPI. Điều này thể hiện rõ, không thể chối cãi qua con số thống kê của phòng nhân sự.
Năm ngoái, hiệu quả công việc không tốt, tôi được thưởng Tết 15 triệu đồng. Nhìn nhiều người khác nhận thưởng cao, tôi cũng hơi chạnh lòng, nhưng rồi vui vẻ chấp nhận vì rõ ràng mình không làm tốt bằng người ta.
Năm nay, khi chỉ số thống kê hiệu quả làm việc trong năm của toàn bộ nhân sự cho thấy tôi đứng nhất, nhiều nhóm trong công ty bắt tôi khao. Tôi cũng vui vẻ mời mọi người đi ăn, uống nước vì đinh ninh bản thân sẽ được thưởng rất cao.
25 tháng Chạp, tiền thưởng lần lượt đổ về tài khoản của mọi người.
Hoa, làm cùng bộ phận với tôi, vào sau tôi 3 năm, năm nay xếp thứ 9 trong tổng 30 nhân sự của phòng kinh doanh, nhận được thưởng Tết 25 triệu đồng. Cô ấy nhảy cẫng lên vì mừng.
Tôi còn nhớ sáng hôm đó, Hoa cầm điện thoại có tin nhắn báo số dư tài khoản, quay qua tôi rối rít: “Em còn được chừng này, chắc chị phải 50 triệu. Nhớ khao đậm nha!”.
Dù lòng cũng nghĩ tới con số đó và nghĩ mình thật sự xứng đáng, tôi vẫn giả vờ đáp lại: “Không có đâu, chắc được 30 triệu gì đó là cùng thôi. Tài khoản của chị ở ngân hàng khác nên chắc chiều tiền mới về”.
15h, tiền thưởng về thật.
“+ 25.000.000 VND. Nội dung thưởng Tết của Công ty A.”. Nhận thông báo tiền đến, mặt tôi méo xệch. Dù vậy, tôi vẫn tự trấn an, chắc còn thêm đợt khác vì “tiền to”.
Cuối giờ chiều, mọi người về gần hết, Hoa chạy tới hỏi tôi vẫn chưa có tiền thưởng hay sao, tôi chỉ biết gượng gạo trả lời chưa.
Năm nay, công ty nghỉ Tết sớm, 26 tháng Chạp đã chính thức nghỉ. Nếu chiều hôm đó, không có thêm khoản nào nữa thì chắc chắn thưởng Tết của tôi chỉ có chừng ấy. Giả vờ xử lý nốt hồ sơ cuối năm, tôi cố gắng đợi tới 18h.
18h, mọi người về gần hết. Vẫn không có thêm bất cứ thông báo biến động số dư nào đến tài khoản ngân hàng của tôi. Lúc đó, tôi thực sự nóng giận.
Cả công ty còn đúng 3 người của phòng Hành chính – Kế toán còn ở lại hoàn thiện nốt hồ sơ thu chi, tôi xông thẳng vào.
“Chị, thưởng Tết đã về hết chưa chị? Em nhận được 25 triệu đồng, không biết hết chưa?”, tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh.
“Ừ hết rồi em!”, chị Trưởng phòng Hành chính – Kế toán thản nhiên trả lời tôi, tay vẫn tiếp tục gõ vào bàn phím máy tính.
“Ủa sao kỳ vậy được chị? Năm nay hiệu suất công việc em đứng đầu, sao bằng mấy bạn chỉ đạt chỉ tiêu thôi được? Về thời gian làm việc tại công ty, em cũng thuộc nhóm lâu nhất nữa”, tôi hét lên.
Lúc này, chị trưởng phòng mới thôi gõ lên bàn phím, dừng tay, nhìn chằm chằm tôi vài giây rồi nói: “Năm nay thay đổi quy chế thưởng Tết, ai cũng như ai. Ban lãnh đạo đã duyệt, em thắc mắc thì tìm ban lãnh đạo mà đôi co. Chị không có nhiệm vụ trình bày với em”.
Câu trả lời này như đổ thêm cả lít dầu vào cõi lòng đang rừng rực lửa của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy tức tối, thiếu công bằng đến vậy.
Cả năm vừa qua tôi cống gắng làm việc, nói đúng hơn là “cày” như một con trâu. Có những hôm giữa đêm chạy cả trăm cây số đi gặp khách hàng để ký hợp đồng, trời mưa gió dù xa đến mấy cũng không nề hà…
Để đứng số 1 trong 30 người về hiệu quả công việc, nào dễ dàng gì. Vậy rồi để được gì, khi cuối năm cái thành tích đó chỉ được đọc phớt qua mấy con số trong báo cáo?
Uất ức, tôi bật khóc. Ra khỏi phòng Hành chính – Kế toán, tôi soạn email xin nghỉ việc, gửi luôn cho ban lãnh đạo và các đơn vị liên quan.
Đến giờ, chắc việc “cào bằng” tiền thưởng Tết cũng đã đến tai hết mọi người trong công ty, nhưng việc tôi xin nghỉ việc thì chắc ít người biết.
Bản thân tôi vẫn tự tin, với năng lực và sự chịu khó của mình, đến môi trường nào tôi cũng làm được việc. Chỉ cần đối xử và đãi ngộ công bằng, chỉ cần được thừa nhận thì tôi không bao giờ nề hà mà đi so đo với nơi trả lương cho mình.
Đến bây giờ, tôi vẫn thấy quyết định của bản thân mình là đúng đắn, dù rằng việc mang hồ sơ đi tìm chỗ làm mới không quá dễ dàng.