Không ít người thắc mắc không hiểu vì sao lúc ép nước mía, người bán thường cho quả quất (quả tắc) vào ép cùng.

Lúc mệt mỏi hoặc cảm thấy nóng nực, được uống một ly nước mía mát lạnh thì còn gì tuyệt hơn. Loại thức uống giải khát ngon bổ rẻ này có mặt ở hầu hết các ngõ ngách, quán nước ven đường. Trong khi chờ đợi được phục vụ, có những vị khách quan sát quy trình sản xuất và không hiểu vì sao khi ép mía lại cho quất vào ép cùng.

Vì sao khi ép mía lại cho quất vào ép cùng?

Câu trả lời vô cùng đơn giản, đó là vị chua thanh của quất có thể làm dịu vị ngọt của mía, vốn có thể khiến một số người cảm thấy quá “gắt”. Ngoài ra, tinh dầu trong vỏ quất giúp ly nước mía có mùi thơm đặc biệt. Việc cho quả quất vào khi ép giúp tạo ra hương vị hài hòa, thơm ngon.
Vì sao khi ép mía lại cho quất vào ép cùng là thắc mắc của một số người khi quan sát quy trình chế biến loại đồ uống này. (Ảnh: Tripadvisor)

Vì sao khi ép mía lại cho quất vào ép cùng là thắc mắc của một số người khi quan sát quy trình chế biến loại đồ uống này. (Ảnh: Tripadvisor)

 

Thông thường, người bán chỉ ép 1 quả quất cho 3 – 4 cây mía; nếu bỏ nhiều quất thì nước mía sẽ quá chua hoặc có vị đắng chát từ vỏ và hạt quất, khiến ly nước mía mất ngon.

Ngoài quất, một số người bán nước mía còn cho vào một lát cam hay dứa với mục đích tương tự.

Lưu ý: Nếu bạn dùng ngay sau khi ép thì mới nên kết hợp quất với nước mía, còn nếu chưa uống ngay thì không nên cho quất vào ép cùng. Nếu để lâu, quất sẽ khiến nước mía nhanh hỏng hơn.

Có 2 cách kết hợp quất và nước mía: Thứ nhất là trực tiếp cho quả quất vào ép cùng với mía. Đây là cách được ưa chuộng vì nước quất sẽ hòa quyện một cách hoàn hảo nhất với nước mía ép, cũng là cách tiết kiệm thời gian nhất.

Cách thứ hai là sau khi ép mía xong, cho nước mía và đá vào ly, bạn mới dùng dao cắt quất, lọc bỏ hạt và vắt quất vào ly mía. Cách này tránh được tình trạng nước mía có vị đắng từ vỏ quất. Cần chú ý lượng quất vắt vào ly, đừng để ly bị chua quá.

Những tác dụng của nước mía

Theo tư vấn của bác sỹ Huỳnh Tấn Vũ (Đại học Y Dược TP.HCM) trên VnExpress, nước mía rất giàu chất dinh dưỡng, gồm đường saccaro, canxi, crôm, kẽm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), phytonutrient, chất chống oxy hóa, protein và chất xơ hòa tan.

Nước mía là loại nước bổ dưỡng, có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được dùng với liều lượng hợp lý (dưới 249ml mỗi ngày).
Nước mía là một thức uống đặc biệt có lợi cho sức khỏe. (Ảnh: Recette Magazine-Suvie)

Nước mía là một thức uống đặc biệt có lợi cho sức khỏe. (Ảnh: Recette Magazine-Suvie)

Giảm mệt mỏi

Nhiều nghiên cứu cho thấy nước mía giúp cải thiện hiệu suất tập thể dục, bổ sung nước và năng lượng sau tập luyện, giảm mệt mỏi. Công dụng này có được nhờ lượng carbohydrate và các vitamin, khoáng chất, điện giải.

Điều chỉnh đường huyết

Do có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nếu được dùng với liều lượng vừa phải, nước mía giúp ngăn tình trạng đường huyết tăng đột biến. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều sẽ làm tăng tổng lượng đường trong máu.

Chống lão hóa, thải độc gan

Nước mía chứa nhiều chất chống oxy hóa phenolic, flavonoid và vitamin, giúp hạn chế các tổn thương tế bào do gốc tự do. Nó cũng có tác dụng làm chậm lão hóa, ngăn chặn tế bào ung thư, đặc biệt ung thư tiền liệt tuyến, vú; bảo vệ gan.

Ngăn ngừa sỏi thận và nhiễm trùng tiểu

Nhờ tác dụng lợi tiểu, nước mía giúp phòng chống sỏi thận, hỗ trợ chức năng thận, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu. Các nghiên cứu cho thấy việc uống nước mía với chanh và nước dừa giúp giảm cảm giác nóng rát ở đường tiết niệu do nhiễm trùng tiểu, sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt hay bệnh lây truyền qua đường tình dục. Loại đồ uống này còn tăng cường miễn dịch, giảm ốm nghén.

Lưu ý: Nên uống nước mía ngay sau khi ép, nếu để quá lâu bên ngoài sẽ dễ nhiễm khuẩn. Người bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc không nên uống nước mía. Bạn cũng không nên dùng nhiều loại đồ uống này nếu muốn giảm cân