Thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ, thi thể nạn nhân thứ 4 được tìm thấy đoạn qua phường Bạch Hạc (TP Việt Trì) cách cầu Phong Châu hơn 20km.

Ngày 23/9/2024, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Vụ sập cầu Phong Châu: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4 cách hiện trường 20km”. Nội dung cụ thể như sau:

Khoảng 7h45 ngày 23/9, Công an phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì nhận được tin báo của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Phú Thọ. Theo đó, trong quá trình tuần tra cứu nạn cứu hộ nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu, đơn vị đã phát hiện 1 thi thể là nam giới đang trôi nổi trên dòng sông Hồng đoạn thuộc khu Mộ Hạ, phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì.


Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4 trong vụ sập cầu Phong Châu.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT CATP Việt Trì đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên địa bàn TP Việt Trì và các địa bàn lân cận, đồng thời thông báo cho các gia đình nạn nhân trong vụ sập nhịp cầu Phong Châu để nhận dạng.

Danh tính nạn nhân được xác định là Dương Công Chiến (SN 1988, Đan Thượng, Hạ Hoà) lái xe đầu kéo BKS 19H- 042.12.

Như vậy, sau 14 ngày sập cầu Phong Châu, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã tìm được thi thể 4 nạn nhân trong số 8 người mất tích do rơi xuống sông Hồng khi cầu sập.

Cùng ngày, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Chi hơn 9 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu”. Nội dung cụ thể như sau:

Theo đó, dự án khắc phục hậu quả thiên tai tại cầu Phong Châu (Phú Thọ) sẽ được triển khai theo lệnh khẩn cấp với kinh phí tạm tính 9,13 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nguồn kinh phí này được chi cho công tác trục vớt xác cầu và phương tiện giao thông bị chìm đắm, đồng thời chi cho việc phân luồng, bảo đảm giao thông, bố trí người chốt trực.

Cục Đường bộ Việt Nam giao Sở GTVT tỉnh Phú Thọ làm đơn vị thực hiện dự án, làm thủ tục chỉ định nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng dự án.

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nhận được báo cáo phương án thi công trục vớt cầu sập. Cụ thể, đối với các phương tiện bị chìm nằm ngoài nhịp giàn thép sẽ được trục vớt ngay, đưa về gần bờ và được nâng nhấc vào bãi tập kết bằng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn.
Chi hơn 9 tỷ đồng để trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập. Ảnh: Đức Hoàng
Với các phương tiện bị kẹt trong giàn thép, không thể trục vớt ngay, đơn vị thi công sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc giàn thép lên khỏi mặt nước, cắt từng nhịp.

Tàu lai dắt sẽ đưa từng nhịp giàn thép vào bờ và dùng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn trên bờ nâng, nhấc, đặt vào khu vực bãi tập kết. Quá trình cắt các nhịp dàn thép, đơn vị thi công cũng đồng thời đưa phương tiện kẹt bên trong ra ngoài và kéo vào bờ.

Với nhịp giàn thép và phương tiện bị bồi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa, đơn vị thi công sẽ sử dụng vòi xối, hút để loại bỏ lớp cát, phù sa bồi lấp trước khi trục vớt.

Đối với bê tông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bê tông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bê tông đặt trên tàu sẽ phá dỡ đến đó.

Đối với phần trụ cầu T7 bị đổ không thể phá dỡ, lai dắt nên Cục Đường bộ Việt Nam chưa tính toán kinh phí xử lý. Trước mắt, cơ quan chuyên môn sẽ thả phao cảnh báo an toàn giao thông thủy, chờ khi nước rút sẽ khảo sát tìm hướng phá dỡ.

Như VietNamNet đã đưa tin, do ảnh hưởng bão, lúc 10h02 ngày 9/9 đã xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7). Thời điểm cầu sập, có 8 xe gặp nạn gồm: 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện.