Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, giá điện chính thức tăng lên mức 2.103,1159 đồng/kWh từ ngày 11.10.2024.

EVN chính thức tăng giá điện
Đây là lần đầu tiên trong năm 2024 giá điện được điều chỉnh. Ảnh: EVN

Chiều 11.10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo trao đổi về việc thay đổi giá bán lẻ điện năm 2024. Theo đó, giá bán điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,1159 đồng 1kWh (chưa gồm thuế VAT).

Như vậy đây là lần đầu tiên trong năm 2024 giá điện được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2023, giá điện đã có hai lần tăng liên tiếp vào tháng 5 và tháng 11.

Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ Công Thương công bố, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỉ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện và phụ trợ – quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Từ các con số trên cho thấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỉ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỉ đồng. Nhờ đó, số lỗ giảm xuống lỗ 21.821,56 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032,07 tỉ đồng, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020-2023.

Ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, quá trình kiểm tra cho thấy, năm qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi.

“Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, dẫn đến, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao”, ông Hữu nêu.