Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký ban hành kết luận về một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao năng lực điều hành.
Lộ trình sáp nhập tỉnh thành
Theo kế hoạch, Bộ Chính trị sẽ xem xét và báo cáo về chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan trong quý 3/2025. Đây là bước quan trọng để tiến tới thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo các tiêu chí cụ thể.
Việt Nam hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, còn có 705 quận, huyện và 10.595 xã, phường. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tỉnh thành phải đáp ứng ba tiêu chí quan trọng gồm: Quy mô dân số, Diện tích tự nhiên và Số đơn vị hành chính cấp huyện.
Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao phải có dân số từ 900.000, diện tích 8.000 km2; tỉnh ở những nơi khác dân số 1,4 triệu, diện tích 5.000 km2. Đồng thời, tỉnh thành phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó ít nhất một thành phố hoặc một thị xã. Đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng có tiêu chuẩn về dân số và diện tích.
Những địa phương không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này sẽ nằm trong diện xem xét sáp nhập nhằm tối ưu hóa bộ máy hành chính, giảm chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Những địa phương có nguy cơ sáp nhập
Mặc dù danh sách cụ thể các tỉnh thành có khả năng sáp nhập chưa được công bố, nhưng theo các tiêu chí hiện hành, một số tỉnh có diện tích nhỏ, dân số thấp hoặc ít đơn vị hành chính cấp huyện có thể nằm trong diện xem xét. Trong đó, một số địa phương từng được đề xuất sáp nhập trước đây như Bắc Kạn, Lai Châu, Hậu Giang, Ninh Thuận… đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Danh sách 10 tỉnh thành có dân số thấp nhất
Danh sách 20 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ giúp tinh gọn bộ máy nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong phân bổ ngân sách, quy hoạch phát triển vùng và cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính và tâm lý người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu thực hiện tốt, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chủ trương sáp nhập tỉnh thành là một phần trong lộ trình cải cách hành chính của Việt Nam, hướng đến mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả hơn. Với thời hạn báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2025, dư luận đang rất quan tâm đến danh sách các tỉnh thành nằm trong diện sáp nhập và những tác động mà chủ trương này sẽ mang lại.