Bộ phim Tiếng sét trong mưa đang ‘gây sốt’ bởi nội dung phim là những câu chuyện về tình yêu đầy bi kịch từ những lỗi lầm.

Tiếng sét trong mưa được chuyển thể từ tác phẩm văn học Lôi Vũ của Tào Ngu (Trung Quốc), nhưng biên kịch phim vẫn giữ lại những tình tiết theo sát gốc nội dung của Lôi Vũ nên đã tạo ra được những câu chuyện đầy kịch tính, những mối quan hệ ngổn ngang trong một gia đình thế lực xưa. Đặc biệt là những mối tình đầy oan trái, tạo nên những bi kịch dữ dội như quan hệ lén lút giữa mẹ kế con chồng, anh em cùng mẹ khác cha yêu nhau… đang gây tranh cãi.

Mẹ kế tư tình với con riêng của chồng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Những nội dung này có phần nhạy cảm nhưng đạo diễn Nguyễn Phương Điền vẫn cho theo sát khi đưa lên màn ảnh nhỏ nhằm tạo nên những sóng gió, kịch tính đến tột cùng của cuộc đời những nhân vật trong phim. Từ bà Hội, Khải Duy, Hai Sáng đến Thị Bình, Thanh Bình, Phượng, Hạnh Nhi…, mỗi con người trong Tiếng sét trong mưa đều đáng thương, đáng tội bởi họ bị bao vây trong hỉ nộ ái ố của cuộc đời.


Tình yêu từ những lỗi lầm của người đi trước để lại hệ quả khôn lường cho thế hệ sau. Để rồi họ bị nhấn chìm trong những rắc rối, đớn đau và chỉ có thể thoát ra trong bi kịch.
Khởi đầu là mối tình đầy trái khuấy của Khải Duy (Cao Minh Đạt) và người hầu Thị Bình (Nhật Kim Anh). Mối tình này ngay từ đầu đã không môn đăng hộ đối nên không thể nhận được sự đồng tình của bà Hội mẹ Khải Duy và cũng là “cái gai” của Hai Sáng, chị dâu của Khải Duy, một cô gái xuất thân từ gia đình môn đăng hộ đối lấy anh trai Khải Văn (Khương Thịnh) của Khải Duy. Tuy vậy Khải Duy là cậu ba đầy quyền lực trong ngôi nhà ấy nên chẳng ai dám can ngăn mối tình giữa cậu và Thị Bình. Nhưng từ đây có một “cuộc chiến ngầm” tạo nên nhiều bi kịch cho các mối quan hệ về sau.

Thị Bình sinh con trai cho cậu ba lại càng nhận thêm sự căm ghét của mẹ chồng và Hai Sáng bởi Hai Sáng không sinh được con khi chồng bà vốn lạnh nhạt với bà. Vì căm ghét Thị Bình mà bà Hội và Hai Sáng thông đồng vu khống Bình có mối quan hệ bất chính với anh giúp việc Lũ (Hứa Minh Đạt) để rồi không thể chịu nổi tiếng oan ức, Bình nhảy sông tự vẫn trong khi đang mang thai đứa con thứ hai. Để rồi từ tấn bi kịch này Thị Bình được ông Quý cứu, vì muốn trả ơn nghĩa cho người cứu mình nên dù vẫn thương nhớ cậu ba, Bình vẫn phải sống chung với Quý, sinh thêm ra cô con gái Phượng khi đã có Hải (cậu con trai mà Bình đang mang thai lúc nhảy sông). Sự tiếp nối đầy rối ren từ những bi kịch tình yêu trước kia đã đẩy thêm cho Tiếng sét trong mưa những mối quan hệ oan trái 24 năm sau.

Anh em ruột yêu nhau…

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Khải Duy người đàn ông quyền lực, độc đoán, giả trưởng và cũng rất bạo tàn với người làm nhưng lại thủy chung trong tình yêu, biết bảo vệ người phụ nữ của mình, thật lòng yêu thương Thị Bình. Vì hận mẹ mình mà sau khi Bình nhảy sông, cậu ba cũng dọn ra khỏi nhà từ mặt bà Hội. Vì nhớ thương vợ nên anh ta đặt tên cậu con trai lớn, kết quả tình yêu giữa anh và Thị Bình là Thanh Bình. Khải Duy cưng chiều, yêu thương Thanh Bình hết mực dù sau này anh kết hôn với Hạnh Nhi có thêm cậu con trai Xuân.
Tiếng sét trong mưa càng trở nên bi kịch hơn sau 24 năm. Mà có lẽ người đời hay gọi đó là nhân quả. Cậu ba Duy từng đánh chết anh Lũ, tàn bạo với công nhân ở đồn điền cao su… đã bị “quật” lại bằng chính những bi kịch trong gia đình ông sau này. Những người ông yêu thương nhất cũng phải chịu chung cảnh đau thương.
Cứu thoát cô gái trẻ xinh đẹp Hạnh Nhi khỏi thú dữ trong một chuyến đi săn, cậu ba sau đó lấy cô làm vợ. Nhưng trong lòng Khải Duy chưa bao giờ quên được Thị Bình nên mỗi lần trước khi ân ái ông đều bắt Hạnh Nhi phải tắm xà bông hoa lài. Mùi hương quen thuộc mà trước kia Bình hay dùng. Chính điều này đã khiến Hạnh Nhi đau khổ, hận và lạnh nhạt với ông. Một cô gái đang tuổi xuân thì cũng xấp xỉ tuổi Thanh Bình hằng ngày tiếp xúc lại đem lòng yêu thương, si tình với con riêng của chồng khiến mối quan hệ oan khiên này diễn ra trong ngôi nhà ấy suốt 7 năm. Thanh Bình cũng không thể cưỡng lại sự quyến rũ của Hạnh Nhi nên mặc nhiên chấp nhận tình cảm của mẹ kế dù trong lòng thấy áy náy với cha. Khải Duy biết nhưng ông dường như “mắt nhắm mắt mở”. Bi kịch chưa dừng lại khi 24 năm sau cả nhà Thị Bình gồm ông Quý, Phượng và cậu con trai Hải cũng vào làm trong gia đình Khải Duy. Phượng và Thanh Bình yêu nhau, ân ái với nhau lại tiếp thêm những đau thương bởi họ là anh em. Khi Thị Bình và Khải Duy biết điều này dường như đã quá muộn.

Tình yêu chân thành giữa Khải Duy và Thị Bình lại tạo ra những bi kịch thảm khốc về sau…

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chằng chịt những mối quan hệ bi thương lên đến cực điểm nên khán giả xem Tiếng sét trong mưa dự đoán về một cái kết đầy bi kịch không lối thoát của những sai lầm tiếp nối… Những cái chết, tình yêu oan trái, kẻ đáng thương người có tội hay không cũng phải chịu chung sự oan nghiệt.
Hải làm công nhân trong đồn điền cao su của cha ruột mình mà không hay biết. Anh căm hận sự tàn bạo, ác độc của Khải Duy nên đã chĩa súng muốn bắn chết ông. Thanh Bình đã đỡ viên đạn đó cho cha và mất mạng. Trong giờ phút ấy, những sự thật được mẹ mình tiết lộ mới khiến Thanh Bình đau đớn hơn cái chết khi biết Hải chính là em ruột của mình; Phượng chính là cô em gái cùng mẹ khác cha. Còn Phượng thì bần thần, đổ sụp xuống trước sự thật nghiệt ngã khi biết người mà cô yêu say đắm lại chính là anh trai mình. Không thể chấp nhận được sự thật cô chạm người vào dòng điện tự tử. Cậu ba Xuân vì cũng yêu Phượng, thấy vậy lao theo người con gái mình thương rồi cùng gục ngã… Nếu đúng là như vậy thì đây là một cái kết đầy nước mắt và mất mát.
Tiếng sét trong mưa cũng chính là “tiếng sét” đầy ai oán về tình yêu, thân phận, hạnh phúc và mất mát, tuyệt vọng và dục vọng để rồi sai lầm cứ tiếp nối. Có lẽ người lãnh trọn những điều này chính là Khải Duy bởi chính cậu ba là “đầu mối” cho các bi kịch liên tục tiếp diễn trong mấy chục năm qua. Kẻ ác như bà Hội, Hai Sáng hay Khải Duy tất nhiên sẽ nhận hậu quả tương xứng nhưng những người liên quan vẫn không thoát khỏi những bi kịch.
Gặp lại nhau sau 24 năm, tưởng sẽ là sự tương phùng sau bao năm tháng thương nhớ thì Khải Duy và cả Thị Bình phải chứng kiến sự mất mát và nỗi đau tận cùng: Cha con tàn sát lẫn nhau, mối tình loạn luân giữa anh em ruột. Một bi kịch thảm khốc đã không thể dừng lại trên màn ảnh nhỏ bởi đó là hệ quả tất yếu từ những sai lầm.