×

Quả cau đang được mua với giá cao

Giá cau đầu vụ tại Quảng Ngãi chạm mốc 45.000 đồng/kg, tăng 10 lần so với các năm trước. Giá cau đạt kỷ lục mang đến cho người nông dân nguồn thu nhập khá ngay từ đầu vụ.

Khu vườn rộng 2.000m2 của bà Nguyễn Thị Bảy (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 300 cây cau 10-15 năm tuổi. Mỗi năm, vườn cau mang về cho bà nguồn thu khoảng 30 triệu đồng.

Giữa tháng 6, bà Bảy bán lứa cau đầu tiên trong năm. Người mua hái được hơn 30kg cau và trả 42.000 đồng/kg. Bà và nhiều người trồng cau khác dường như không tin vào mức giá này.


Nông dân ngỡ ngàng khi giá cau cao kỷ lục, chỉ sợ Trung Quốc ngừng mua - 1Tiểu thương thu mua cau tại vườn cho người dân với giá 42.000-45.000 đồng/kg (Ảnh: Quốc Triều).

“Nghe người mua nói giá 42.000 đồng/kg mà cứ tưởng nói đùa. Ai ngờ họ mua thật. Vài ngày sau giá cau tiếp tục tăng. Chưa bao giờ cau đầu vụ cao như năm nay”, bà Bảy cho biết.

Nhiều năm qua giá cau biến động thất thường. Có thời điểm giá cau chỉ 2.000 đồng/kg nhưng có lúc hơn 100.000 đồng/kg. Thông thường, giá cau đầu vụ rất thấp, đến cuối vụ tăng đột biến do lượng cau còn lại rất ít.

“Nhiều năm qua cau đầu vụ dao động 2.000-7.000 đồng/kg, cau cuối vụ hơn 100.000 đồng/kg. Đầu vụ lượng cau rất nhiều nên giá rẻ. Cuối vụ cau ít, lại trúng Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng cau tăng cao, kéo giá cau tăng theo”, bà Bảy nói thêm.

Cau được thu hoạch luân phiên dựa vào độ cứng của ruột quả cau. Trung bình một vườn cau cho thu hoạch khoảng 2-3 lần mỗi tháng. Nhiều năm qua, cây cau mang đến nguồn thu nhập khá cho người nông dân.

Anh Nguyễn Minh, chủ vựa thu mua cau, cho biết lứa cau đầu tiên trong năm cho thu hoạch cách đây khoảng nửa tháng. Lúc đó giá cau ở mức 40.000 đồng. Hiện giá cau tại vựa đã hơn 50.000 đồng/kg và tiếp tục tăng.

“Mới đầu vụ nhưng giá cau đã vượt qua mức 50.000 đồng/kg là chuyện chưa bao giờ xảy ra”, anh Minh nói.

Theo anh Minh, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc tăng cao nên giá cau đầu vụ cũng tăng theo từng ngày. Cau được tiểu thương mua rồi hấp, sấy khô sau đó bán lại cho thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều năm qua, giá cau cũng như nhiều loại nông sản khác luôn biến động bất thường bởi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Giá cau đang ở mức cao nhưng nếu phía Trung Quốc ngừng thu mua lập tức sẽ hạ.

Nông dân ngỡ ngàng khi giá cau cao kỷ lục, chỉ sợ Trung Quốc ngừng mua - 2Những quả đồi trồng cau ở huyện Sơn Tây (Ảnh: Quốc Triều).

Sự biến động này diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ trong vài ngày cau có thể rớt giá xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

“Có năm chủ vựa thu mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg về sấy khô xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng cau sấy chưa kịp khô thì giá đã hạ xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Giá cả nông sản xuất sang Trung Quốc thay đổi từng ngày, chẳng ai biết trước được”, anh Minh nói thêm.

Diện tích trồng cau của tỉnh Quảng Ngãi lên đến hàng nghìn ha. Khoảng 7 năm trở lại đây, cau được sấy khô xuất khẩu sang Trung Quốc giúp người nông dân Quảng Ngãi có thu nhập khá. Trong đó, huyện miền núi Sơn Tây được mệnh danh là “xứ ngàn cau”. Toàn huyện có trên 1.000ha cau, trong đó trên 500ha đang cho trái.

Theo ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, hiện bà con trồng cau ở huyện Sơn Tây rất phấn khởi vì giá cau đầu vụ tăng cao đột biến.

“Mấy ngày qua thương lái thu mua cau rầm rộ. Giá cau cao nên bà con rất mừng, có điều cũng lo. Lo là đến thời điểm chính vụ thị trường Trung Quốc ngừng thu mua thì cau lại rớt giá như mọi năm”, ông Khuyến cho hay.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, nhiều năm qua, cây cau giúp nhiều hộ dân miền núi bớt khó khăn. Do đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cây giống để trồng mới 297ha cau.

“Phần diện tích này đang phát triển rất tốt, bà con rất phấn khởi. Nhiều năm qua giá cau tuy có biến động nhưng cây cau thực sự mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Giá cau trong năm chỉ cần đạt mức trung bình 10.000 đồng/kg là người dân đã có thu nhập cao hơn so với trồng một số loại cây khác”, ông Khuyến nói.

Related Posts

Our Privacy policy

https://expresstin.com - © 2024 News