×

Bị dính phạt nguội: Nộp phạt chậm có sao không?

Hàng trăm camera phạt nguội đã được lắp tại nhiều tuyến đường ở TPHCM để hỗ trợ cảnh sát giao thông kiểm soát các lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi trái đường…

Báo Dân trí đưa tin “Tài xế vi phạm dễ dính phạt nguội ở TPHCM: Nộp phạt chậm có sao không?” với nội dung:

Sở Giao thông Vận tải TPHCM có kế hoạch lắp thêm camera giao thông tại nhiều điểm trong thời gian tới (Ảnh: An Huy).

Hiện tại, các tuyến đường sau ở TPHCM đã được lắp hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (còn gọi là camera phạt nguội):

– Xa lộ Hà Nội – chân cầu Sài Gòn, Quận 2

– Đại lộ Mai Chí Thọ nối dài tới Võ Văn Kiệt qua Quận Bình Tân, Quận 1, Quận 2, Quận 5, Quận 6,… có khoảng 20 camera giám sát được lắp đặt

– Đường Lê Duẩn

– Đường Hai Bà Trưng

– Đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1, Quận 3)

– Đường Lý Tự Trọng

– Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

– Đường Điện Biên Phủ

– Đường Nguyễn Thái Học

– Đường Nguyễn Thị Minh Khai

– Đường Pasteur

– Đường Hùng Vương

– Đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5)

– Đường Nguyễn Thị Nghĩa

– Đường Lê Lợi

– Đường Đinh Tiên Hoàng

– Đường Tôn Đức Thắng (Quận 1)

– Đường Trường Sơn (Tân Bình)

– Đường An Dương Vương

– Đường Trần Phú

– Đường Lê Thánh Tôn

– Đường Nguyễn Huệ

– Đường Đồng Khởi

– Đường Trương Định

– Đường Cộng Hòa

– Đường Hoàng Văn Thụ

– Đường Hồng Hà

– Đường Bạch Đằng (Tân Bình)

– Đường Kinh Dương Vương

– Đường Nguyễn Thị Tú

– Đường Lê Trọng Tấn

– Đường Đinh Bộ Lĩnh

– Đường Nguyễn Thị Định (Thủ Đức)

– Đường Đồng Văn Cống (Thủ Đức)

– Đường Nguyễn Duy Trinh

– Đường Nguyễn Xiển (Thủ Đức)

– Quốc lộ 1 từ cầu Đồng Nai – giáp ranh Long An

– Quốc lộ 22 qua Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn

Ngoài ra, tại các tuyến đường thường xuyên diễn ra tình trạng vi phạm giao thông, vào một số khung giờ cao điểm, các cán bộ chiến sĩ cũng được tăng cường bố trí sử dụng camera ghi hình xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Tra cứu phạt nguội giao thông ở đâu?

Ngoài việc được Cảnh sát giao thông (CSGT) gửi thông báo phạt nguội bằng văn bản về địa chỉ đăng ký, chủ xe có thể chủ động kiểm tra xem mình có đang bị phạt nguội hay không thông qua hình thức tra cứu online trên các trang web hoặc ứng dụng trên thiết bị di động. Cụ thể như sau:

Trang web của Cục Cảnh sát giao thông:

Chủ phương tiện cần truy cập trang web của Cục CSGT tại địa chỉ https://www.csgt.vn/, vào mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh nằm phía bên phải màn hình, nhập đầy đủ biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện, nhập mã bảo mật, rồi nhấn Tra cứu để tìm kết quả.

Lúc này hệ thống sẽ trả về kết quả vi phạm giao thông của phương tiện qua camera. Nếu không tìm thấy kết quả tức là xe không bị phạt nguội.

Trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam:

Chủ xe cần truy cập vào trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại địa chỉ http://www.vr.org.vn, sau đó vào mục Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện trong phần Tra cứu dữ liệu bên phải màn hình, nhập đầy đủ thông tin để thực hiện tra cứu.

Trang web của Sở Giao thông Vận tải

Cách tra cứu phạt nguội này chỉ áp dụng được với những tỉnh, thành có tích hợp tra cứu phạt nguội trên website phạt nguội, như Hà Nội (https://csgt.congan.hanoi.gov.vn/tra-cuu-phuong-tien-gt), TPHCM (http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn/wps/portal/Home/tra-cuu-vi-pham), và Đà Nẵng (https://vpgtcatp.danang.gov.vn/).

Ứng dụng VNeTraffic

Trước tiên, chủ phương tiện cần tải và cài đặt ứng dụng VNeTraffic trên App Store hoặc CH Play về điện thoại, sau đó đăng nhập tài khoản, rồi tiến hành tra cứu phạt nguội.

Các ứng dụng khác trên thiết bị di động

Ngoài ứng dụng VNeTraffic do Bộ Công an quản lý, chủ phương tiện còn có thể sử dụng nhiều ứng dụng tra cứu phạt nguội khác trên nền tảng Android và iOS.

Nộp tiền phạt nguội giao thông ở đâu?

Chủ phương tiện có thể thực hiện nộp phạt nguội giao thông qua các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

– Nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại nơi kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.

– Nộp phạt thông qua hệ thống dịch vụ bưu điện (người vi phạm đăng ký với cơ quan cảnh sát giao thông bằng cách ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm).

– Nộp phạt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cần lưu ý là không phải tỉnh, thành phố nào cũng áp dụng hết tất cả các hình thức nộp phạt trên. Chủ phương tiện cần trao đổi với cơ quan công an gửi giấy phạt để được tư vấn nộp phạt đúng nơi, đúng hạn.

Không đóng phạt nguội có sao không?

Nếu không biết bản thân bị phạt nguội, quên hoặc cố tình không đóng phạt nguội, chủ phương tiện trên toàn quốc sẽ đối mặt với một số nguy cơ sau:

– Phải nộp tiền chậm nộp phạt theo quy định tại Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2022, với mức nộp thêm 0,05% số tiền phạt chưa nộp đối với mỗi ngày chậm nộp phạt.

– Bị cưỡng chế nộp phạt: Các cá nhân, tổ chức không tự nguyện đóng tiền phạt nguội thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm, theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

– Bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe, theo Điều 3 Thông tư 79/2024/TT-BCA.

– Chưa giải quyết việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện vi phạm; chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm chưa đóng phạt nguội, theo Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Dân trí ra mắt chatbot AI để tra cứu mức xử phạt lỗi giao thông

Để phục vụ việc tra cứu của bạn đọc, Dân trí đã phát triển một phần mềm chat tự động (chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên gọi DTchat.

Đây là công cụ cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về mức xử phạt khi vi phạm luật giao thông theo Nghị định 168.

Bạn có thể trải nghiệm ở ô bên dưới. Xin lưu ý thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

 

Báo Thanh niên cũng đưa tin “Ô tô bị phạt nguội, trễ hoặc quên nộp phạt bị xử lý như thế nào?” với nội dung:

Hiện nay, với hệ thống camera giám sát được lắp đặt nhiều nơi, người lái ô tô vi phạm luật giao thông không chỉ bị cảnh sát giao thông dừng xe, xử phạt trực tiếp mà còn có thể bị phạt nguội.

Ô tô bị phạt nguội, nếu chủ xe trễ hoặc quên nộp phạt tính từ ngày nhận quyết định, hoặc quá thời hạn thi hành được ghi trên quyết định… đều bị xử lý theo quy định – Bá Hùng

Theo quy trình xử phạt, sau khi ô tô vi phạm luật giao thông và bị camera ghi lại hình ảnh. Hình ảnh phương tiện vi phạm sẽ được chuyển cho bộ phận trích xuất để lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như: biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm… và trích in hình ảnh vi phạm kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm. Sau đó, hình ảnh này chuyển cho lực lượng cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.

Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả sẽ được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành thông báo đến tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm và yêu cầu người này đến cơ quan có thẩm quyền để làm việc. Sau khi đã xác định đúng vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và kèm theo hình ảnh vi phạm thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày – Bá Hùng

Theo khoản 1, điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đang được áp dụng quy định, “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít trường hợp ô tô bị phạt nguội, sau khi nhận được quyết định xử phạt, chủ xe lại quên dẫn đến việc nộp phạt trễ thời hạn hoặc không nộp phạt theo quy định.

Với những trường hợp này, theo khoản 1, điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Nếu quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Ô tô chậm nộp phạt nguội sẽ bị đưa vào mục cảnh báo trên hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến về kiểm định xe giới được dùng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bá Hùng

Số ngày chậm nộp phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 16/2021 các trường hợp xe vi phạm giao thông nhưng quá hạn không chấp hành giải quyết vi phạm, nộp phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019 của Chính phủ sẽ bị đưa vào mục cảnh báo trên hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến về kiểm định xe giới được dùng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Các trường hợp này vẫn được các trung tâm đăng kiểm tiếp nhận kiểm định xe. Tuy nhiên Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp chỉ có thời hạn hiệu lực 15 ngày.

Related Posts

Our Privacy policy

https://expresstin.com - © 2025 News