Nghệ sĩ Ưu tú Văn Báu sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông nội ông là cụ Nguyễn Văn Thịnh, thường gọi là cụ Trùm Thịnh (1883-1973) quê ở Kim Động, Hưng Yên.

Khi mới 5 tuổi, Nguyễn Văn Thịnh đã biết hát chèo và tham gia biểu diễn. Năm 16 tuổi, ông đoạt giải nhất cuộc thi hát chèo Làng Bưởi. Cũng bởi tài năng và giàu tâm huyết, ông sớm trở thành một trùm phường chèo, thuộc chiếng chèo đông, hoạt động ở Hải Dương. Cụ Nguyễn Văn Thịnh là nghệ sĩ đã để lại những trích đoạn chèo mẫu mực truyền lại cho các thế hệ sau này.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 1.

NSƯT Văn Báu trong phim Cảnh sát hình sự. Ảnh: VTV

Có thể nói, ở Việt Nam hiếm có một gia đình nghệ thuật nào có số người tham gia làm nghệ thuật đông và nhiều thành tựu như gia đình cụ Nguyễn Văn Thịnh. Bốn cha con cụ Thịnh, thì ba người được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, một người được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Hàng chục cháu, chắt của cụ Thịnh giờ là những nghệ sĩ có tên tuổi hoạt động ở nhiều địa phương trong cả nước, trong số đó có nghệ sĩ Văn Báu.

Con đường đưa NSƯT Văn Báu đến các vai công an trên phim Việt


Được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, năm 17 tuổi, Văn Báu được tuyển vào làm diễn viên ca múa của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần. Sau đó, một bộ phận diễn viên ca múa nhạc tách ra chuyển về bộ đội Trường Sơn, lập thành Đoàn văn công Trường Sơn, phục vụ trực tiếp ngoài mặt trận.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 2.

NSƯT Văn Báu (ngoài cùng bên trái) trong một bộ phim. Ảnh: VTV

Những năm tháng ở Trường Sơn đã rèn luyện Văn Báu trở thành một người lính thực thụ, cùng sống, chiến đấu với bộ đội Trường Sơn ở các cung đường, binh trạm, các trọng điểm ác liệt, để đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Sau giải phóng 1975, Đoàn văn công Trường Sơn chuyển ra Bắc. Do bị sức ép bom, sức khỏe giảm sút, năm 1980, ông xin chuyển ngành về làm phát thanh viên cho Đài PT-TH Thành phố Hải Phòng. Đến năm 1995, ông xin nghỉ chế độ.

Văn Báu bén duyên vào điện ảnh cũng rất tình cờ. Số là năm 1992, đạo diễn Nguyễn Văn Thu ở Điện ảnh Công an nhân dân làm bộ phim tốt nghiệp có tên Câu chuyện người tù. Khi tìm diễn viên vào vai một thiếu úy quản giáo, mà tìm mãi không được, về Hải Phòng ông được giới thiệu đến Văn Báu, thế là thành công, vai diễn được nhiều người khen. Từ đó, máu nghề lại nổi lên, Văn Báu ngoặt sang lĩnh vực điện ảnh, dù có hơi muộn màng.

Bây giờ, sau gần 30 năm hoạt động điện ảnh, Văn Báu đã tham gia hàng trăm bộ phim, đến nỗi ông không thể nhớ hết các phim và vai diễn của mình. Ông kể đã thử sức ở tất cả các đề tài, từ tâm lý xã hội, lịch sử, chiến tranh và về lực lượng Công an… và thực sự các vai diễn trong mảng phim về đề tài lực lượng Công an đã làm nên tên tuổi Văn Báu.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 3.

NSƯT Văn Báu bị lầm là công an thật vì đóng quá đạt. Ảnh: VTV

Năm 1996, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai series phim Cảnh sát hình sự gồm 8 phần, 40 tập. Nội dung nói về 8 vụ án khác nhau xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội…

Trong phim này, Văn Báu vào vai chiến sỹ cảnh sát Chu Văn Hòa. Qua mỗi tập phim, Chu Văn Hòa lại trưởng thành dần lên, và được thăng chức đến Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm. Bộ phim ra mắt từng gây sốt người xem những năm ấy.

Cứ qua mỗi tập phim, ông lại học hỏi, hiểu thêm được những suy nghĩ, tình cảm, những nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ công an. Khán giả vốn đã quen với Văn Báu trong vai diễn một cán bộ cốt cán, cần mẫn của lực lượng Công an, luôn phải đối mặt với các tình huống nhiệm vụ, thử thách đấu trí trong mỗi vụ án trên phim, bằng lối thể hiện vừa trầm tư, kiên định, vừa sáng tạo, khôn khéo, anh luôn làm vừa lòng người xem, kể cả những người trong cuộc.

Sau này, ông tiếp tục nhận vai công an trong các phim: Lời sám hối muộn màng, Trò chơi sinh tử, Bí mật những cuộc đời, Chạy án 1, Chạy án 2, Bí mật tam giác vàng… Trong phim Việt, có lẽ Văn Báu là diễn viên đóng công an nhiều nhất. Ông gây ấn tượng với hình tượng chiến sĩ công an, đặc biệt là vai thủ trưởng cơ quan điều tra trong hầu hết bộ phim đình đám suốt hàng chục năm qua, khiến nhiều người thậm chí lầm tưởng Văn Báu là công an thật.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 4.

NSƯT Văn Báu ngoài đời. Ảnh: CAND

Ngoài mảng phim đề tài lực lượng Công an, Văn Báu còn tham gia mảng phim về đề tài chiến tranh và cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với người xem, như vai Chính ủy Trung đoàn trong phim Huế mùa hoa mai đỏ (đạo diễn Trần Vịnh) và Bao giờ thuyền lại sang sôngCâu chuyện cuối tuần (đạo diễn Quốc Trọng), vai người Chính ủy trong phim Cao hơn bầu trời (đạo diễn Xuân Cường). Duy nhất ông thực hiện một vai phản diện là viên Thiếu tá phụ trách nhóm tình báo Phượng Hoàng của địch trong phim Làng cát…

Trải qua 30 năm làm nghề, nghệ sĩ Văn Báu được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Vài năm nay, nam diễn viên sinh năm 1952 ít đóng phim phần vì tuổi già, phần vì ông chỉ nhận vai thực sự thích hoặc có thời gian quay ngắn, chủ yếu “chữa cháy” cho đoàn phim khi cần gấp diễn viên có kinh nghiệm.

Là một trong những diễn viên đóng vai công an ấn tượng nhất màn ảnh nhưng NSƯT Văn Báu cho biết cũng có lúc ông phải từ chối vì sợ lặp lại chính mình. Ông nói đùa vì bản thân quá gầy mà công an bây giờ hầu hết cao to chứ không như thế hệ mình vài ba chục năm trước. Vì vậy 6-7 năm nay, NSƯT Văn Báu đã chia tay các vai diễn công an, về làm dân thường trên màn ảnh.

Ở tuổi 72, NSƯT Văn Báu đang tận hưởng cuộc sống tuổi già nhàn nhã bên vợ. Ông khoe có tổng cộng 9 cháu ngoại, cả trai lẫn gái, cứ cuối tuần là chúng lại về thăm ông bà. Hàng ngày ông “trồng cây, nuôi gà” như lời ông nói. Đã 12 năm qua, vợ chồng nghệ sĩ tận hưởng cuộc sống như vậy bởi các con đều ở riêng.