×

Tình hình hiện tại của thầy Minh Tuệ khiến ai cũng lo lắng

Trong đoàn bộ hành, có bốn sư đang không giữ hộ chiếu
Chụp lại hình ảnh,Trong đoàn bộ hành, sư Minh Tuệ và một số sư chưa nhận lại hộ chiếu

Trong quá trình tiếp xúc với đoàn sư Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy đoàn có hai mối bận tâm chính: một số sư chưa nhận lại hộ chiếu và rủi ro bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hoặc trục xuất.

Ngày 10/2, kênh YouTube Đoàn Văn Báu – Về miền đất phật của ông Đoàn Văn Báu đã đăng tải video có nhan đề 6:50 Ngày 10/2/2025: Cuộc gọi cuối cùng – Thông tin cuối cùng?

Video này dường như là đoạn ghi âm cuộc gọi giữa ông Báu với sư Minh Tuệ. Cũng có thể nghe thấy giọng sư Chơn Trí. Một video quay cuộc hội thoại này cũng đã được đăng trên kênh YouTube Phước Nghiêm. Theo đó, dường như cuộc gọi được thực hiện là do các sư muốn nói chuyện với ông Báu để hỏi về vấn đề hộ chiếu.

Trong cuộc gọi, sư Minh Tuệ hỏi về hộ chiếu của ông và ba sư khác là sư Chơn Trí, sư Minh Trí và sư Tuệ Minh, cũng như việc liệu họ đã được cấp visa Ấn Độ hay chưa.

Lúc nói có, lúc nói không

Ông Đoàn Văn Báu nói rằng trong năm chiếc hộ chiếu đó (có vẻ bao gồm cả của ông Báu do ông nhiều lần nói rằng ông cũng phải tới lấy để có hộ chiếu về Việt Nam), “visa người ta đã dán sticker rồi, nhưng mà đoàn của mình hơi lộn xộn nên người ta giữ lại thôi”.

“Đến đó vẫn có thể họ không cấp. Đến ngày thứ Năm (13/2) có được hay không con cũng lấy hộ chiếu để con trả vì con cũng phải lấy hộ chiếu để con về Việt Nam thầy ạ,” ông Báu nói tiếp.

Ông hẹn sẽ đi lấy vào ngày 13/2 và tới gặp đoàn của sư Minh Tuệ vào ngày 14/2.

“Là mình chắc chắn thứ Sáu là có?,” sư Minh Tuệ hỏi.

Ông Báu khẳng định sẽ gửi lại toàn bộ bốn hộ chiếu cho các sư nói trên và rằng hộ chiếu của họ đều đã được đóng dấu visa Ấn Độ vào tuần trước.

Tuy nhiên, sau đó, ông Báu lại nói chưa dám hứa rằng hộ chiếu của các sư đã được cấp visa bởi vì “tình hình đoàn đang rất là phức tạp”.

Có thể thấy ông Báu lúc thì khẳng định những cuốn hộ chiếu này đã có visa Ấn Độ, lúc thì lại bảo chưa có.

Vào thứ Tư ngày 12/2, ông Báu đăng tải một video trên tài khoản Facebook cá nhân, nói rằng ông đã nhận lại năm cuốn hộ chiếu, gồm của ông, sư Minh Tuệ, sư Minh Trí, sư Tuệ Minh và sư Chơn Trí. Về cuốn hộ chiếu của sư Chơn Trí, ông nói đã nhờ người đưa lại cho nhà sư này.

Trong khi đó, ông nói sẽ cầm bốn cuốn hộ chiếu về Việt Nam để làm visa Bangladesh. Ông vẫn khẳng định sẽ mang trả những cuốn hộ chiếu này vào ngày 14/2.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt vào ngày 9/2, sư Minh Tuệ nói rằng ông đã đưa cho ông Báu hộ chiếu của mình từ ngày 31/12/2024. Sư Minh Tuệ cũng nhiều lần lên tiếng về mong muốn được nhận lại hộ chiếu.

Ông cũng đã cho chúng tôi xem mẫu đơn xin cấp visa Ấn Độ của ông do ông Báu đưa trước đó. Đi kèm với mẫu đơn là một tờ hóa đơn thanh toán lệ phí xin cấp visa. Theo đó, dạng visa xin cấp là visa du lịch, địa điểm nộp là VFS – một trung tâm chuyên tiếp nhận hồ sơ xin thị thực cho các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Trên trang web chính thức, VFS cho biết thời gian để xét duyệt visa du lịch Ấn Độ ở Thái Lan như sau:

Đối với người không phải công dân Thái Lan, visa thường được cấp vào ngày làm việc thứ sáu kể từ khi nộp đơn.
Đối với một số danh mục, tùy trường hợp, thời gian xử lý có thể mất ít nhất từ sáu đến tám tuần.

Đơn xin cấp visa Ấn Độ của sư Minh Tuệ thể hiện ngày tạo đơn là 7/1/2025 và ngày nộp đơn là 20/1.

‘Làm visa Myanmar trong vòng 15 ngày’

Chụp lại video,Ông Đoàn Văn Báu quay lại gặp sư Minh Tuệ

Cũng trong cuộc gọi với các sư, ông Báu đã nói rằng hiện tại Myanmar đã đóng tất cả các cửa khẩu và gợi ý rằng sư Minh Tuệ có thể chọn lộ trình khác, cụ thể là đi qua Bangladesh và tiếp tục bộ hành tới Ấn Độ. Ông nói rằng nếu sư Minh Tuệ đồng ý, ông Báu sẽ gửi hộ chiếu của các sư về Đại sứ quán Bangladesh ở Việt Nam và có thể làm xong visa Bangladesh chỉ trong vòng vài ngày.

Sư Minh Tuệ không cam kết sẽ làm vậy, nói rằng muốn nhận lại hộ chiếu xem tình hình thế nào rồi tính tiếp.

Trước cuộc gọi này vài ngày, khi tới gặp sư Minh Tuệ vào ngày 8/2, ông Báu từng khẳng định với sư Minh Tuệ rằng “sau khi visa Ấn Độ xong, dự kiến thời gian sớm nhất là vào thứ Năm tuần tới [ngày 13/2], thì trong vòng 15 ngày là con làm xong visa Myanmar”.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Ủy ban Biên giới Liên huyện Thái Lan – Myanmar (TBC là một ủy ban hợp tác giữa Myanmar và Thái Lan nhằm giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng tới hai phía biên giới) đã nói với BBC News Tiếng Miến Điện rằng cửa khẩu giữa Myanmar và Lào đã đóng cửa với người nước ngoài, chỉ cho phép người Thái Lan và Myanmar ở những khu vực lân cận đi qua.

Theo nguồn tin trên, việc này đã diễn ra được khoảng sáu tháng và mục đích là để triệt phá các đường dây lừa đảo. Thời điểm cửa khẩu được mở lại hiện chưa rõ.

Hiện sư Minh Tuệ còn cách biên giới Myanmar-Thái Lan ở tỉnh Mae Sot (Thái Lan) khoảng gần 400 km. Nếu duy trì tốc độ hiện tại là khoảng 15 km mỗi ngày, khoảng gần một tháng nữa đoàn sẽ tới cửa khẩu. Do đó, khả năng lớn là đoàn sẽ phải tìm lộ trình khác để đi tới Ấn Độ do biên giới bị đóng cửa.

Các rủi ro pháp lý

Rất nhiều người, gồm Phật tử và YouTuber, đi theo đoàn bộ hành vào sáng ngày 9/2
Chụp lại hình ảnh,Rất nhiều người, gồm Phật tử và YouTuber, đi theo đoàn bộ hành vào sáng ngày 9/2

Có hai lý do đoàn bộ hành lo rằng mình có thể gặp rắc rối với cảnh sát Thái Lan: một là việc một số sư đang không có hộ chiếu trong tay, hai là việc các sư vào Thái Lan bằng visa du lịch và ăn mặc như người tu hành để bộ hành, khất thực.

BBC News Tiếng Việt đã liên lạc với một luật sư Thái Lan và Cảnh sát Du lịch Thái Lan để hỏi về hai vấn đề này.

Về vấn đề đầu tiên, có bốn sư, trong đó có sư Minh Tuệ, hiện không giữ hộ chiếu trong tay nhưng có giấy biên nhận đã nộp hộ chiếu để xin visa tại VFS ở Thái Lan. Theo bà Ying, một luật sư đang hành nghề tại Thái Lan, sư Minh Tuệ có thể dùng bản sao hộ chiếu để chứng minh nhân thân của mình thay cho hộ chiếu thật.

Khi chúng tôi gặp sư Minh Tuệ vào chiều ngày 9/2, ông có bản sao hộ chiếu.

Vào ngày 10/2, có rất nhiều Phật tử bày tỏ sự lo ngại về việc các sư sẽ bị bắt do không có đủ giấy tờ. Lý do là vì đã có cảnh sát Thái Lan tới kiểm tra giấy tờ của một số thành viên đoàn bộ hành. Sau khi kiểm tra, cảnh sát đã rời đi, các sư dường như không gặp vấn đề pháp lý.

Trước đó cùng ngày, các sư đã tách ra làm hai nhóm – sư Minh Tuệ đi một mình và các sư còn lại đi cùng nhau. Trong một video trên mạng xã hội có thể nghe thấy tiếng của ông Thành, một người hỗ trợ trong đoàn, nói rằng do số lượng YouTuber quá đông, cảnh sát Thái Lan “họ ý kiến liên tục nên đoàn đã tách ra làm hai đoàn”.

Sư Minh Tuệ bộ hành vào sáng ngày 9/2
Chụp lại hình ảnh,Sư Minh Tuệ bộ hành vào sáng ngày 9/2

Về việc thứ hai, ông Therawat, một người cùng đi theo đoàn, từng khẳng định rằng việc các sư vào Thái Lan với visa du lịch và ăn mặc, bộ hành như vậy là không được. Do đó, ông Therawat đã là người đứng ra bảo lãnh cho các sư.

Bà Ying, luật sư người Thái, nói rằng việc vào Thái Lan với visa du lịch, ăn mặc giống như một nhà sư (dù không giống sư Thái Lan), thực hành khất thực, bộ hành và xin ngủ nhờ trên đất của người khác có thể coi là hành vi phạm luật, xét tới việc sư Minh Tuệ không được bất kỳ tổ chức nào công nhận là một tu sĩ.

Nhưng theo bà, sư Minh Tuệ chỉ đối mặt với “rủi ro thấp”.

Theo bà, những người làm như vậy sẽ cần có một dạng chứng nhận từ một tổ chức tôn giáo nào đó. Đối với trường hợp của sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành, bà Ying nói rằng nếu họ có một lời mời, hoặc thư giới thiệu từ một tổ chức Phật giáo nào đó thì rủi ro sẽ còn thấp hơn.

Bà cho rằng khả năng sư Minh Tuệ gặp rắc rối với pháp luật cũng còn tùy vào cách xử lý cụ thể của nhân viên cảnh sát Thái Lan tới kiểm tra giấy tờ của các sư. Trong trường hợp các sư chỉ thực hành tôn giáo và không vi phạm luật pháp hay có hành vi lừa đảo, việc các sư bị xử lý theo pháp luật là thấp.

Các YouTuber tập trung ngoài cổng khu nhà mà các sư thọ thực vào sáng ngày 9/2
Chụp lại hình ảnh,Các YouTuber tập trung ngoài cổng khu nhà mà các sư thọ thực vào sáng ngày 9/2

Tương tự, các YouTuber có khả năng sẽ gặp rắc rối với pháp luật do kiếm được tiền từ các video quay đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ. Ông Báu cũng từng nói rằng đã kiếm được hơn 2.000 USD từ kênh YouTube của bản thân.

Tương tự, bà Ying nói rằng “theo luật pháp Thái Lan, để có thể làm việc và kiếm tiền, bạn cần có giấy phép lao động”.

Bà Ying cho rằng rủi ro của các YouTuber cũng là thấp, vì rất khó để cảnh sát có thể phân định rõ giữa ai là YouTuber, ai là chỉ muốn quay video bình thường. Ngay cả việc họ có đăng tải video lên YouTube cũng sẽ phải xác minh chính xác liệu video này là để cho mục đích cá nhân hay mục đích thương mại.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng rủi ro là có.

Related Posts

Our Privacy policy

https://expresstin.com - © 2025 News