Nhiều công nhân ủng hộ đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 để có cơ hội được đưa con đến trường ngày khai giảng năm học mới.
Trao đổi về đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9, chị Hoàng Thị Thư (38 tuổi) – công nhân nhà máy sản xuất về lĩnh vực điện tử – rất mừng vì được xem xét tăng thêm số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm.
Mỗi năm chị được nghỉ 11 ngày lễ, Tết trong năm. Cùng với 12 ngày nghỉ phép năm, chị được nghỉ 4 ngày chủ nhật trong tháng. Vì nhà cách khu công nghiệp ở thành phố Thái Nguyên gần 40km, buộc chị phải đi thuê trọ.
Bố mẹ già, chồng và các con ở quê nhà nên chị thường tranh thủ về nhà ở Đại Từ (Thái Nguyên) vào những ngày nghỉ. 9 năm qua làm trong nhà máy, chị chưa từng được đưa con đi khai giảng năm học mới.
“Với công nhân, được trở về nhà bên các con thêm 1 ngày nghỉ cũng rất quý giá. Hơn hết, được đưa con đi khai giảng sẽ vô cùng ý nghĩa với chúng tôi”, chị Thư cho hay.
Việc tăng ngày nghỉ lễ có thể giúp chị Thư và những lao động xa quê khác có thêm thời gian bên gia đình, các con.
Vì vậy, gửi kiến nghị đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (tháng 12/2023), đoàn viên đề xuất nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ của Việt Nam hiện thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới 5-6 ngày.
Cụ thể, người lao động mong bổ sung 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, để kéo dài dịp nghỉ từ 2/9 đến hết ngày 5/9, tạo cơ hội cho công nhân, lao động được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Cán bộ, công chức, viên chức có thể được nghỉ 9 ngày liên tục dịp Tết Nguyên đán 2025 (Đồ họa: Tuấn Huy).
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng ủng hộ việc cần phải tăng thêm số ngày nghỉ cho người lao động, bởi số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm còn ít so với nhiều quốc gia ở khu vực.
Bà Hương cho rằng đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là hợp lý. Người lao động sẽ có thêm kỳ nghỉ dài thuận tiện cho việc đi lại, về quê, du lịch hay đi chơi xa.
Về lý do không đề xuất tăng thêm ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán mà thêm vào ngày Quốc khánh 2/9, bà Hương cho rằng, số ngày nghỉ Tết theo quy định pháp luật hiện hành là phù hợp.
Việc tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động ít nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Theo chuyên gia này, song so với các nước, Việt Nam vẫn còn quá ít ngày nghỉ. Vì vậy, doanh nghiệp cũng nên ủng hộ và khắc phục để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động.
Trước đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, dịp Tết người lao động đã được nghỉ dài ngày. Vì vậy, đơn vị này mong muốn được tăng số ngày nghỉ Quốc khánh 2/9 để giãn khoảng thời gian nghỉ trong năm, gần như hơn 1 quý là có một dịp nghỉ.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ hội cho công nhân được về thăm gia đình, đưa con đi chơi trước khi bắt đầu năm học mới.
“Vì vậy, chúng tôi theo đuổi tham vọng nghỉ Quốc khánh dài hơn, đặc biệt nghỉ đúng dịp khai giảng năm học. Từ đó, công nhân được đưa con đến trường trong ngày này. Đó là ước mơ giản dị”, ông Hiểu cho biết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về việc tăng số ngày nghỉ Quốc khánh 2/9.
Trước đó, cử tri các tỉnh: Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận đề xuất thêm ngày nghỉ lễ trong năm là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), bổ sung thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2/9 đến ngày 5/9).
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế – xã hội.
Theo Bộ Lao động, việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế – xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.